Trang tin điện tử Arirang Meari của Triều Tiên ngày 5-1 nói rằng “Trung Đông sẽ là nghĩa địa cho Mỹ”.
“Các chuyên gia quân sự toàn cầu gần đây phân tích rằng Mỹ đang bị sa lầy vào một cuộc chiến ở Trung Đông. Ngay cả các quốc gia ủng hộ Mỹ cũng đã trả lời một cách thờ ơ yêu cầu của Mỹ về việc điều quân vì lý do chính trị nội bộ và các thách thức kinh tế của họ, khiến Mỹ rơi vào tuyệt vọng” - hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích nội dung đăng trên Arirang Meari.
Người dân Iran giơ ảnh Tướng Qassem Soleimani. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 6-1 nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc đã đưa ra lập trường mạnh mẽ chống lại vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ sáng 3-1 giết chết Tướng Qassem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Trung Quốc và Nga nhấn mạnh rằng họ không chỉ phản đối việc sử dụng sức mạnh quốc sự trong các mối quan hệ quốc tế mà còn không dung thứ cho những hành động quân sự liều lĩnh” - KCNA viết.
KCNA đề cập một cuộc điện đàm hôm 4-1 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, nhấn mạnh rằng họ “đã bày tỏ những lo ngại về tình hình khu vực đang tồi tệ hơn do các hành động trái phép của Mỹ”.
Ông Kim Jong-un bị sức ép tâm lý sau vụ Tướng Soleimani
Các chuyên gia lưu ý rằng cái chết của ông Soleimani có khả năng làm lung lay các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
GS Yang Moon Jin tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc) nói với tờ The Korea Herald rằng sau trận không kích ở Baghdad (Iraq), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “sẽ bị sức ép tâm lý”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lúc đến Nga. Ảnh: SPUTNIK
Cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se-hyun, trong lần xuất hiện trên truyền hình hôm 5-1, cho hay Triều Tiên thậm chí sẽ thận trọng hơn trước đó khi tiết lộ về nơi ở chính xác của ông Kim.
Trao đổi với trang tin NK News hôm 5-1, ông Andrei Lankov - học giả người Nga và là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên nhận định rằng vụ hạ sát Tướng Soleimani cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn so với điều mà các chiến lược gia Triều Tiên từng nghĩ trước đây.
“Thời gian trôi đi, ngày càng nhiều các nhà quan sát có xu hướng coi năm 2017 là một trò lừa bịp và người ta tin rằng ông Donald Trump không có can đảm thực hiện lời đe dọa của ông về một chiến dịch quân sự tại khu vực bất ổn lớn của thế giới. Tuy nhiên, vụ giết Tướng Soleimani tuần trước chứng minh rằng thế giới đã đánh giá thấp mong muốn chấp nhận rủi ro của ông Trump (hoặc có lẽ đã đánh giá thấp khả năng đưa ra quyết định dựa trên lý trí của ông ấy)” - chuyên gia Lankov viết.
Ông Kim Yong Nam - Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2018. Ảnh: SPUTNIK
“Chắc chắn người Triều Tiên đã lưu ý và rất có thể coi đó là một dấu hiệu cảnh báo. Cái chết của ông Soleimani gợi nhắc chúng ta rằng hành vi nguy hiểm quá mức có thể dẫn đến việc một máy bay không người lái của Mỹ âm thầm tiếp cận một số mục tiêu ở vùng ngoại ô Bình Nhưỡng” - ông Lankov nói thêm.
Trong thông điệp mừng năm mới 2020 được đưa ra vài ngày trước vụ hạ sát Tướng Soleimani, nhà lãnh đạo Kim đã dùng ngôn ngữ thận trọng hơn so với hồi tháng 12-2019, khi các ấn phẩm của Triều Tiên tuyên bố sẽ quay lại tình trạng hiếu chiến.
Ông Kim hồi cuối năm 2019 tuyên bố sẽ tặng Mỹ một “món quà Giáng sinh” mà giới phân tích dự đoán sẽ là vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Tuy nhiên, cuối cùng không có sự kiện nào xảy ra.
Thay vào đó, ông Kim nhấn mạnh các chiến thuật trì hoãn của Washington được thiết kế nhằm kéo dài tác động tai hại từ các lệnh trừng phạt kinh tế áp vào Triều Tiên. Ông Kim còn kêu gọi người Triều Tiên thắt lưng buộc bụng vì việc cứu trợ dường như không thể xảy ra sớm.
“Nếu Mỹ không giữ lời hứa họ đã tuyên bố trước thế giới, nếu nước này đánh giá sai sự kiên nhẫn của người dân chúng tôi và tiếp tục sử dụng lệnh trừng phạt và sức ép chống lại nền cộng hòa của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoài tìm con đường mới để đảm bảo chủ quyền và lợi ích của đất nước chúng tôi” - ông Kim nói ngày 1-1.