Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia ngày 5-9, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng trong một thế giới đầy biến động về địa chính trị như hiện nay thì ASEAN cần chủ động và không nên tránh né việc đưa ra quan điểm tập thể về các vấn đề quốc tế, nếu không khối này có thể đối mặt nguy cơ mất dần tầm ảnh hưởng.
Mô tả tình hình hiện tại là một trong những “sự bất ổn lớn về địa chính trị và địa kinh tế”, ông Lý cho rằng cách phản ứng của nhóm 10 thành viên sẽ có tính chất quyết định đến vai trò trung tâm của tổ chức này, kênh Channel Asia News đưa tin.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: AFP |
Ông Lý Hiển Long nêu rõ vai trò trung tâm của ASEAN phải được thể hiện một cách nhất quán trong quan điểm, hành động và chính sách cũng như dựa trên “sự thống nhất về mục đích và hành động” của khối.
“Chúng ta phải đoàn kết trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, dù là bên ngoài hay bên trong, chẳng hạn như tình hình ở Myanmar. Mỗi chúng ta sẽ có những lợi ích và quan điểm quốc gia riêng trước những thách thức địa chính trị, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực hướng tới những điểm đến chung” - ông nói.
Theo ông Lý, ASEAN đã làm tốt việc đảm bảo các đối tác bên ngoài tham gia vào khối dựa trên các điều khoản mà khối đề ra. Ông cũng thừa nhận cách lợi ích và giá trị của việc hợp tác với các đối tác bên ngoài và kêu gọi tăng gấp đôi nỗ lực hội nhập kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng ngay cả khi khối tăng cường hợp tác với bên ngoài một cách cởi mở và toàn diện, thì cũng phải nhận thức nhận rằng “sự cạnh tranh địa chính trị sẽ diễn ra trong khu vực của chúng ta, có thể chúng ta không mong muốn nhưng chúng ta phải chấp nhận”.
“Giải pháp là không thụ động và tránh né việc tuyên bố lập trường trong các vấn đề. Nếu không, ASEAN sẽ mất đi tầm quan trọng của khối. Chúng ta phải sẵn sàng tham gia tích cực vào tất cả các bên theo những cách cùng có lợi” - theo ông Lý.
Theo ông Lý, “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD)" (AOIP) là một nền tảng để thực hiện điều đó và lưu ý rằng nó đã được một số đối tác đối thoại của ASEAN hỗ trợ.
AOIP coi AĐD-TBD là một khu vực đối thoại và hợp tác thay vì cạnh tranh, trong đó ASEAN đóng vai trò là “nhà môi giới trung thực” trong môi trường cạnh tranh lợi ích này.
Ông Lý cho biết AOIP có tính đa hướng và toàn diện, đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho các đối tác của ASEAN tham gia vào khu vực AĐD-TBD.
Đối với cuộc khủng hoảng Myanmar, ông Lý cho rằng vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề này cần được xây dựng trên sự thống nhất giữa mục đích và hành động của khối.