Sáng 5-9, Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” đã chính thức khai mạc tại Indonesia.
Hội nghị diễn ra từ ngày 5 đến 7-9 với 12 cuộc họp cấp cao, với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN, Timor Leste với tư cách quan sát viên, chín nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) như Mỹ, Trung Quốc (TQ), Ấn Độ, Nhật Bản, Úc.
Hòa hợp và tăng trưởng
Theo TTXVN, dự kiến tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, các nước sẽ đánh giá tình hình triển khai Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, định hướng chiến lược phát triển ASEAN, làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác cũng như trao đổi về tình hình khu vực, thế giới.
Việc thống nhất quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN rất có ý nghĩa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thách thức an ninh đang diễn biến rất nhanh và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực.
Theo chuyên gia cấp cao
Sharon Seah tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore)
ASEAN dự kiến thông qua khoảng 50 văn kiện quan trọng như Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045, Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV, Tuyên bố ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng, các văn kiện về những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Trước đó, ngày 4-9, các bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN đã nhất trí trình văn kiện Tuyên bố hòa hợp ASEAN IV lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 xem xét thông qua. Đây là một trong những văn kiện quan trọng nhất, đóng vai trò là nền tảng cho Tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2045.
Về kinh tế, hội nghị sẽ tập trung thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, y tế, ổn định tài chính, chuỗi cung ứng như chuyển đổi số, kinh tế xanh… Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các lãnh đạo sẽ thảo luận về tình trạng bất ổn ở Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột tại Ukraine và tình hình Biển Đông.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia ngày 5-9. Ảnh: VPG/NHẬT BẮC |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43. Ảnh: VPG/NHẬT BẮC |
Sẽ bàn về Myanmar, Biển Đông
Một thách thức quan trọng với khối là tình trạng bế tắc ở Myanmar. Hai năm sau khi được thông qua, quá trình thực hiện đồng thuận năm điểm của ASEAN về Myanmar - vốn kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tổ chức đối thoại giữa các bên - vẫn rất ít tiến triển, theo tờ Nikkei Asia.
Trong cuộc họp các bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN ngày 4-9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết khối sẽ đánh giá toàn diện về việc thực hiện đồng thuận năm điểm khẳng định ASEAN chỉ có thể phát huy hết sức mạnh nếu đảm bảo một giải pháp hòa bình và lâu dài ở Myanmar. Theo dự thảo tuyên bố chung của ASEAN mà hãng tin AFP thu thập được, nội dung Myanmar không được đề cập, cho thấy những nỗ lực hòa bình đơn phương, đa phương của khối đến nay chưa có kết quả.
Các hành động gây hấn của TQ ở Biển Đông cũng sẽ là điểm được lưu ý, theo dự thảo tuyên bố chung. Căng thẳng Biển Đông gia tăng đáng ngại thời gian gần đây với hàng loạt bước đi nguy hiểm của TQ. Có thể kể đến việc tàu hải cảnh TQ bắn vòi rồng, cắt ngang đầu tàu Philippines và mới đây là việc TQ công bố cái gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” năm 2023, trong đó yêu sách đường lưỡi bò phi pháp chiếm trọn Biển Đông. Các nước láng giềng ven biển của TQ bao gồm Việt Nam, Malaysia và Philippines đã phản đối bản đồ phi pháp này.
Bối cảnh mất an ninh này là động lực để các nước ASEAN và TQ kết thúc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á nói với AFP rằng tại kỳ hội nghị này các lãnh đạo sẽ hướng tới “mục tiêu đầy tham vọng” là kết thúc đàm phán COC với TQ vào năm 2026.
Hội nghị lần này cũng sẽ thảo luận tiến đến thống nhất quy tắc hỗ trợ quá trình ra quyết định tại các hội nghị cấp cao ASEAN, nhất là trong các tình huống khủng hoảng. Bộ trưởng Retno Marsudi cho biết các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các quy tắc thủ tục mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định mà không cần phải sửa đổi Hiến chương ASEAN.•
Thủ tướng Phạm Minh Chính bận rộn ở Hội nghị ASEAN
Ngày 5-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và dự phiên toàn thể hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Jakarta (Indonesia), theo báo điện tử Chính phủ.
Tại phiên toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quan điểm chung về một năm 2023 nhiều biến động. Kinh tế thế giới đã có những tín hiệu phục hồi tích cực hơn, song còn nhiều rủi ro, thương mại phục hồi chậm, bất ổn địa chính trị tăng.
Trong bối cảnh đó, ASEAN tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, là trung tâm của các mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) và là trung tâm của các cơ chế hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…
Để giữ vững điểm sáng đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nước ASEAN cần đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư. Thủ tướng đề nghị các nước tháo gỡ các rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối để nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động từ bên ngoài.
Chiều 5-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự phiên khai mạc Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là sáng kiến của Indonesia trong năm chủ tịch ASEAN 2023, với mục tiêu khơi mở tiềm năng và cơ hội tăng cường hợp tác, kết nối cho các nước ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.