Ông Macron chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa khu vực

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đang có "khuynh hướng đế quốc" khi tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực đông Địa Trung Hải, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 31-10, ông Macron cáo buộc chính quyền Ankara thể hiện "thái độ hiếu chiến với các đồng minh NATO" và theo đuổi chính sách "cực kỳ gây hấn" tại khu vực.

"Tôi nhận thấy Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng đế quốc trong khu vực và tôi nghĩ rằng khuynh hướng này không phải là điều tốt lành gì đối với sự ổn định của khu vực" - ông Macron nói.

Ông Macron nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường hoạt động quân sự ở Syria và can thiệp sâu hơn vào tình trạng bất ổn ở Libya. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Bất chấp những lời chỉ trích gay gắt, Tổng thống Macron vẫn thể hiện thiện chí "làm dịu" căng thẳng song phương Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ông Macron nhấn mạnh giai đoạn hạ nhiệt chỉ có thể bắt đầu nếu "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (Recep Tayyip Erdogan) tôn trọng Pháp, tôn trọng Liên minh châu Âu (EU), tôn trọng giá trị của EU, không nói dối và không thốt ra những lời xúc phạm".

Căng thẳng mới nhất giữa Paris và Ankara liên quan tới vấn đề người Hồi giáo và chủ nghĩa cực đoan ở Pháp.

Chính quyền ông Macron đang đối mặt với thách thức lớn từ "hàng triệu" người Hồi giáo ở Pháp và cộng đồng Hồi giáo toàn cầu sau những chỉ trích liên quan tới các vụ khủng bố trong nửa cuối tháng 10.

Chiều 16-10, một người Pháp gốc Nga tên Abdullah Anzorov, 18 tuổi và là một tín đồ Hồi giáo, đã tấn công và chặt đầu thầy giáo Samuel Paty ở thị trấn Conflans-Sainte-Honorine, tây bắc thủ đô Paris (Pháp). Động cơ gây án được cho là xuất phát từ việc ông Paty cho học sinh của mình xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohamed của người Hồi giáo.

Sau đó, vào ngày 29-10, một người đàn ông Tunisia tên Brahim Aouissaoui mang theo một quyển kinh Koran đã giết chết ba người tại một nhà thờ ở TP Nice, miền đông nam Pháp.

Sau vụ tấn công ở Nice, Tổng thống Macron tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các giá trị tự do và tín ngưỡng của người Pháp và không khoan nhượng trước bất kỳ hành vi tấn công các giá trị đó.

Ông Macron bị cho là ủng hộ việc xuất bản tranh biếm họa liên quan tới nhà tiên tri Mohamed - một động thái được coi là chống lại toàn bộ cộng đồng Hồi giáo.

Hàng chục ngàn người Hồi giáo ở Pháp và nhiều tín đồ ở các quốc gia khác như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Afghanistan... đã xuống đường và hô to những khẩu hiệu chống ông Macron.

Cuối tuần trước, căng thẳng giữa Paris và Ankara leo thang thêm một nấc mới khi Pháp triệu hồi đại sứ từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước. Trong bài phát biểu hôm 24-10, ông Erdogan nói rằng Macron cần được kiểm tra sức khỏe tâm thần. Đáp trả lại, đại diện chính quyền Paris chỉ trích "bình luận của ông Erdogan là không thể chấp nhận được".

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các đồng minh châu Âu chỉ trích vì tranh chấp ở đông Địa Trung Hải với Hy Lạp bất chấp việc hai nước đều là thành viên của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vì hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm