Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon đã yêu cầu các trường học đóng cửa từ ngày 16-3 vì lo ngại dịch COVID-19, song cho rằng dịch bệnh chưa thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sẽ bắt đầu vào cuối tuần này, báo Politico ngày 12-3 đưa tin.
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 12-3, ông Macron đã nêu ra một loạt biện pháp để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ các đối tượng dễ bị lây nhiễm, duy trì hệ thống chăm sóc y tế và hỗ trợ nền kinh tế Pháp.
"Chúng ta chỉ mới ở điểm bắt đầu của dịch bệnh này. Ở khắp nơi ở châu Âu, dịch bệnh đang tăng nhanh và tăng mạnh" - ông Macron nhấn mạnh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Các biện pháp này được công bố chỉ một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Không hoãn bầu cử, kêu gọi châu Âu hợp tác chống dịch
Ông Macron tuyên bố cuộc bầu cử vẫn diễn ra theo kế hoạch vì các nhà khoa học tư vấn cho ông rằng không có lý do để hoãn bỏ phiếu. Trước đó, truyền thông địa phương cho rằng ông Macron đang xem xét hoãn bầu cử. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 22-3.
Nhắc đến việc hợp tác toàn châu Âu để chống dịch COVID-19, ông Macron kêu gọi các nước tránh các chính sách dân tộc chủ nghĩa và cho rằng các biện pháp chỉ áp dụng trong từng nước sẽ không hiệu quả.
"Virus này không có hộ chiếu. Chúng ta sẽ có thể có các biện pháp để kiểm soát, đóng cửa biên giới nhưng chúng ta sẽ cần cần thực hiện ở cấp độ toàn châu Âu" - ông Macron nói.
Nỗ lực giảm nguy cơ lây nhiễm
"Từ ngày 16-3 và cho đến khi có thông báo mới, các nhà trẻ, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học sẽ bị đóng cửa vì một lý do đơn giản: trẻ em và người trẻ ở nước ta là những người lây lan virus nhanh nhất" - Tổng thống Pháp tuyên bố.
Nhằm bảo vệ những người có nguy cơ lây nhiễm cao, Tổng thống Macron kêu gọi những người trên 70 tuổi và mắc các bệnh mãn tính, bệnh hô hấp và người khuyết tật hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà.
Các hoạt động giao thông công cộng ở Pháp vẫn được duy trì. Ông Macron cho rằng việc ngừng vận hành các phương tiện này gần như sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động trong nước, bao gồm cả khả năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế.
Ông cũng kêu gọi các công ty khuyến khích nhân viên của mình làm việc tại nhà. Ông cam kết bảo vệ các công ty khỏi nguy cơ nền kinh tế bị thiệt hại do dịch bệnh.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như hoãn nộp thuế và hoãn nộp các khoản hỗ trợ xã hội.
Chưa kích hoạt giai đoạn 3 của kế hoạch chống dịch
Bất chấp các nhận định về sự nghiêm trọng của dịch bệnh và các biện pháp mạnh mẽ đã được ban hành, ông Macron vẫn chưa thông báo kích hoạt giai đoạn 3 của kế hoạch chống dịch trong nước. Nếu bước sang giai đoạn 3, Pháp sẽ cố gắng giảm tác động của dịch bệnh hơn là kiềm chế sự lây lan của nó.
Trước đó, một số bác sĩ đã kêu gọi ông Macron nên kích hoạt giai đoạn 3 của kế hoạch vì hệ thống y tế Pháp đang có dấu hiệu quá tải.
Trước bài phát biểu của ông Macron, trong cùng ngày 12-3, Bộ Y tế Pháp đã thông báo tạm hoãn các ca phẫu thuật không thực sự cần thiết để ưu tiên cho điều trị cho người nhiễm COVID-19.
Đến hết ngày 12-3, Pháp đã phát hiện 2.876 ca nhiễm bệnh, trong đó có 61 người đã tử vong, theo Politico.
Toàn thế giới đã có hơn 132.500 người nhiễm COVID-19, có 4.963 người tử vong và 69.874 bệnh nhân đã được chữa khỏi, theo báo South China Morning Post.
Các nước khác ở châu Âu có số ca nhiễm tăng nhanh và trở thành các ổ dịch mới của thế giới. Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Thụy Sĩ đều nằm trong nhóm 10 nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới, trong đó Ý là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và có tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới.