Ông Maduro cầu cứu OPEC chống trừng phạt của Mỹ

Nhưng một nguồn thạo tin cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó Venezuela là thành viên sáng lập, đã từ chối đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào. OPEC cho biết họ quan tâm đến chính sách dầu mỏ chứ không phải chính trị, Reuters đưa tin ngày 11-2.

Hơn 40 nước bao gồm Mỹ, các nước châu Âu và hầu hết các quốc gia Mỹ La-tinh đã công nhận đối thủ của Tổng thống Maduro, ông Juan Guaido, là “lãnh đạo hợp pháp” của nước này, sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái.

Yêu cầu của ông Maduro được đưa ra trong một bức thư gửi cho Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo vào ngày 29-1 mà phóng viên Reuters xem được, một ngày sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA).

"Đất nước chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự đoàn kết và hỗ trợ đầy đủ của các quốc gia thành viên OPEC và Hội nghị cấp bộ trưởng, trong cuộc đấu tranh mà chúng tôi đang thực hiện nhằm chống lại sự xâm phạm bất hợp pháp và tùy tiện của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Venezuela", ông Maduro viết.

Tôi tìm kiếm "sự hỗ trợ và hợp tác vững chắc của quý vị để cùng nhau lên án và đối mặt với sự tước đoạt không biết xấu hổ này đối với những tài sản quan trọng của một trong những thành viên của OPEC", bức thư viết.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: BLOOMBERG

Ông viết rằng OPEC sẽ giúp xác định các giải pháp tiềm năng dựa trên "tác động của hành động này đối với thị trường năng lượng toàn cầu và rủi ro mà nó mang lại cho các quốc gia khác thuộc tổ chức này".

Các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela đã thúc đẩy giá dầu toàn cầu, vốn được giao dịch ở mức 62 USD/thùng vào ngày 11-2. Động thái này đã làm gián đoạn các chuyến hàng vì hơn 20 tàu chở dầu của Venezuela đã được neo đậu ngoài khơi bờ biển vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng có rất nhiều năng lực dự phòng ở các nước sản xuất dầu khác như Saudi Arabia cộng với dự trữ chiến lược ở các quốc gia tiêu thụ để bù đắp cho việc mất đi nguồn xuất khẩu từ Venezuela.

OPEC có xu hướng tránh các tranh chấp chính trị liên quan đến các thành viên cá nhân. Năm ngoái, họ đã từ chối yêu cầu từ Iran về một cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Tehran tại một hội nghị lập chính sách.

Venezuela đã từng nằm trong top ba nước sản xuất dầu hàng đầu của OPEC nhưng sản lượng đã suy giảm trong nhiều năm sau sự sụp đổ của nền kinh tế nước này.

Công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Rystad chứng kiến sản lượng của Venezuela giảm mạnh xuống còn 680.000 thùng/ngày vào năm tới, từ mức 1,34 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2018. Venezuela từng bơm 3 triệu thùng dầu/ngày hồi đầu thế kỷ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm