"Chúng tôi đã phá vỡ một kế hoạch do con rối hiểm ác tổ chức để giết tôi", hãng tin AFP dẫn lời ông Maduro nói với hàng ngàn người ủng hộ ở thủ đô Caracas hôm 23-3, ý đề cập đến ông Guaido, người được Mỹ và hơn 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela.
Ông Maduro cáo buộc Colombia liên minh với Mỹ cũng có liên quan; đồng thời cho rằng một chỉ huy bán quân sự không không được nêu danh tính của Colombia đã bị bắt ở nước này "và đang cho lời khai".
Chính quyền của ông Maduro đã đưa ra thông tin chi tiết về âm mưu vừa đề cập trên truyền hình nhà nước, trong đó Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez nói rằng "những kẻ tấn công" từ El Salvador, Guatemala và Honduras đã được tuyển chọn "sử dụng một số tiền lớn" và phái tới Colombia trước các sứ mệnh xâm nhập Venezuela nhằm "ám sát có chủ đích" và "phá hoại".
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: REUTERS
Ông Rodriguez cáo buộc chánh văn phòng của ông Guaido là Roberto Marrero đã nhận tiền từ Mỹ và là người tổ chức chính của chiến dịch "ám sát có chủ đích" và "phá hoại".
Ông Marrero, một luật sư 49 tuổi, đã bị bắt hôm 21-3 tại nhà riêng ở Venezuela. Mỹ, Liên minh châu Âu và những nước Mỹ La-tinh công nhận Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela đã lên tiếng phản đối và đòi Caracas thả Marrero.
Giới chức trước đó cho biết ông Marrero bị bắt giam trong cuộc vây ráp của chính phủ Venezuela nhằm vào “phần tử khủng bố” có âm mưu tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các chính khách hàng đầu của Venezuela, theo hãng tin RT.
Chính phủ Venezuela cũng đã công bố hình ảnh hai khẩu súng trường được cho là đã bị Cơ quan tình báo quốc gia Bolivarian (SEBIN) của Venezuela tịch thu trong cuộc đột kích vào nhà ông Marrero để bắt giữ nhân vật này.
Ông Roberto Marrero, chánh văn phòng của thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido. Ảnh: AP
Bộ trưởng Thông tin Rodriguez đã mở các đoạn ghi âm mà ông khẳng định là từ các cuộc trò chuyện WhatsApp giữa ông Marrero và ông Guaido, trong đó quan chức Venezuela nói rằng hai nhân vật trên đã thảo luận về việc sử dụng các quỹ của Venezuela (bị chặn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ) để tài trợ cho các nhóm vũ trang với sự hỗ trợ của Tổng thống Colombia Ivan Duque.
Những lời buộc tội đã được Tổng thống Maduro lặp lại ngay sau khi ông phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ ở Caracas.
Theo chính phủ của ông Maduro, Mỹ đã tịch thu 30 tỉ USD tài sản của Venezuela, bao gồm tiền trong tài khoản ngân hàng. Ông Rodriguez cáo buộc các khoản tiền trong tài khoản tại các ngân hàng Bank of America và Banesco Panama đang được sử dụng trong âm mưu này.
Ông Guaido, người đồng thời là Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập Venezuela kiểm soát, đã yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì áp lực đối với chính phủ của ông Maduro.
Mỹ đã tăng cường các loạt trừng phạt liên tiếp nhằm vào Venezuela, đình chỉ việc cấp thị thực cho 300 người Venezuela bị coi là gần gũi với chính quyền của ông Maduro và gây khó khăn cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) trong việc điều hành hoặc bảo đảm tín dụng trên thị trường.
Vào ngày 28-4 tới, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tăng lên một cấp độ khác với lệnh cấm vận xuất khẩu dầu thô.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo ông Maduro không bắt giữ hoặc đe dọa ông Guaido hoặc các trợ lý của nhân vật này, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả không xác định.
Tổng thống Trump đã nhắc lại rằng "tất cả các lựa chọn" - bao gồm cả hành động quân sự - đều đang ở trên bàn trong việc xử lý vấn đề Venezuela.
Tương lai của Tổng thống Maduro hiện là điểm bất đồng chính giữa Mỹ và Nga trong cuộc thảo luận gần đây nhất về cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
Chính quyền của ông Maduro, vốn vẫn được Nga và Trung Quốc ủng hộ, đã bị cộng đồng quốc tế lên án sau khi ông tái đắc cử vào năm ngoái trong một cuộc bỏ phiếu bị coi là có nhiều khuất tất.
Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hôm 22-3, ông Guaido nói rằng chính quyền của ông Maduro đã đến giai đoạn cuối cùng và sẽ sớm có sự thay đổi trong chính phủ.