Ngày 17-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ gặp nhau ở bang Hawaii (Mỹ), báo South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa xác nhận cuộc hội đàm trực tiếp giữa ông Pompeo và ông Dương, trong khi giới quan sát cho rằng hai nhà ngoại giao này gặp nhau tại căn cứ không quân Hickam ở bang Hawaii, Mỹ.
Một số chuyên gia theo dõi quan hệ Mỹ-Trung cho rằng đây là cơ hội cho Washington và Bắc Kinh "vẽ ra lằn ranh đỏ" cho cả hai.
Ông Mike Pompeo (phải) và ông Dương Khiết Trì (trái) trả lời báo giới sau cuộc gặp tháng 11-2018 ở thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: AFP
Tuy nhiên, giới quan sát cũng đặt ra nhiều câu hỏi về công tác chuẩn bị, lựa chọn đại diện đối thoại và mục đích thực sự của Bắc Kinh và Washington khi tổ chức cuộc hội đàm này.
Hawaii là địa điểm thuận tiện cho cả hai bên
Chuyên gia Nguyễn Tông Trạch thuộc Viện Quốc tế học Trung Quốc - một trung tâm nghiên cứu chính sách có liên hệ với chính quyền Trung Quốc - cho rằng hai bên quyết định gặp nhau ở Hawaii vì "yêu cầu quan trọng về việc trao đổi trực tiếp" thay vì điện đàm.
Về địa điểm gặp mặt, chuyên gia nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) Chu Phong cho rằng Hawaii là nơi thuận tiện nhất cho cả hai bên.
Cuộc gặp tại Trung Quốc hay trên phần lãnh thổ Mỹ ở lục địa Bắc Mỹ đều không phải lựa chọn tốt cho bên còn lại, trong khi Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương và nằm giữa hai nước, ông Chu nói.
Giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson (thủ đô Washington, Mỹ) Tôn Vân cũng cho rằng hai bên đã chọn được nơi hội đàm phù hợp. Bà Tôn lý giải thêm rằng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Hawaii không nghiêm trọng bằng ở những nơi khác trên lục địa.
Đại diện đối thoại của hai bên không thực sự phù hợp
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, Ngoại trưởng Pompeo không phải là lựa chọn phù hợp để đại diện Mỹ đối thoại với Trung Quốc.
Ông Gal Luft, Giám đốc điều hành Viện Phân tích An ninh toàn cầu - một trung tâm nghiên cứu chính sách khác có trụ sở ở Washington, cho rằng "xét đến những hành động và phát biểu gần đây của ông Pompeo, ông ấy hoàn toàn không phải người truyền thông điệp tốt nhất cho việc hòa giải".
"Do đó, có ít hy vọng về một kết quả quan trọng trong cuộc gặp ngoại trừ việc đây là một cơ hội cho cả hai bên thể hiện quan điểm và ý định của mình và vẽ ra lằn ranh đỏ" - ông Luft bình luận.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Thời Yên Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) đồng quan điểm với ông Luft, cho rằng "nếu (Tổng thống Mỹ Donald Trump - PV) thực sự muốn hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ông ấy đã không cử ông Pompeo đi".
Ngoại trưởng Mỹ là người thường xuyên chỉ trích Trung Quốc. Trong một bài phát biểu với hội nghị trực tuyến của Ủy ban Do Thái Mỹ hôm 14-6, ông Pompeo nói Trung Quốc “gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta”.
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo nhiều lần nhắc đến các cáo buộc nhắm vào Trung Quốc liên quan tới đại dịch COVID-19.
Truyền thông Trung Quốc liên tục phản đối việc ông Pompeo và nhiều quan chức khác ở Washington sử dụng cụm từ "virus Vũ Hán" thay vì tên gọi chính thức SARS-CoV-2. Báo chí ở Bắc Kinh gọi những lãnh đạo Mỹ chỉ trích mình (bao gồm ông Pompeo) là "kẻ thù chung của loài người".
Ông Mike Pompeo (trái) bắt tay ông Dương Khiết Trì (phải) trong cuộc gặp tháng 11-2018 ở thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: AP
Về phía đại diện của Bắc Kinh, ông Dương từng là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ (2001-2005) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (giai đoạn 2007-2013).
Ông Dương đã nhiều lần gặp sang Mỹ. Trong đó, cuộc gặp Tổng thống Trump (năm 2016 - lúc đó ông Trump vời đắt cử) và Ngoại trưởng Pompeo (tháng 8-2019) đều không mang lại kết quả tích cực.
Mỹ không cố gắng tạo ra đột phá ngoại giao quan trọng
Chuyên gia Denny Roy thuộc Trung tâm Đông-Tây (có trụ sở ở Hawaii) tin rằng so với Washington, phía Bắc Kinh cần cuộc gặp này hơn vì nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ suy thoái.
Đại dịch COVID-19 khiến Bắc Kinh mất danh tiếng trên trường quốc tế và nhiều nước đang cố gắng giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Cùng với đó, Bắc Kinh cũng phải đối phó với nhiều vấn đề khu vực quan trọng như các vấn đề ở Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông.
Ông Roy cho rằng hai bên khó tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực. Kết quả khả quan nhất là "đột phá nhỏ" trong quan hệ thương mại song phương.
"Có vẻ như ông Trump muốn sử dụng cơ hội này để tuyên bố rằng ông đã giúp Mỹ chiến thắng trong quan hệ với Trung Quốc ngay trước cuộc bầu cử" sẽ diễn ra vào tháng 11 tới - ông Roy nhận định.
Chuyên gia Luft cho rằng nhiều khả năng ông Pompeo sẽ không chọn cách tiếp cận theo hướng hòa giải.
"Trái lại, mục tiêu của ông Pompeo là làm cho Trung Quốc hiểu rằng suy nghĩ Mỹ là cường quốc đang bị tê liệt và có ý định rút khỏi các vấn đề toàn cầu là sai lầm" - ông Luft nói.
Nhà bình luận George Magnus thuộc Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford (Anh) cho rằng ông Pompeo và ông Dương có thể đạt được thỏa thuận về việc duy trì đối thoại, có thể bao gồm một cuộc gặp ở cấp nguyên thủ quốc gia trong cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Magnus không coi đây là một "đột phá ngoại giao thực sự".