Ông Putin tiếp thủ tướng Hungary, nêu rõ quan điểm về Ukraine

(PLO)- Trong cuộc hội đàm song phương tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban thảo luận nhiều vấn đề như chiến sự Nga-Ukraine, quan hệ Moscow-EU,...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm với Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban tại Moscow (Nga). Ông Orban là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Nga kể từ tháng 4-2022.

Theo hãng thông tấn TASS, vấn đề chính trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo là việc giải quyết chiến sự Nga-Ukraine và nối lại đối thoại giữa các bên.

Thêm động lực cho quan hệ Nga-EU

Họp báo chung với Thủ tướng Orban sau hội đàm, Tổng thống Putin đề cập quan hệ giữa Nga đối với Hungary và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cảm ơn ông Orban đã đến thăm Moscow.

Theo ông Putin, việc Hungary giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu kể từ ngày 1-7 đã tạo điều kiện cho Nga và EU trao đổi quan điểm hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên vốn "hiện đang ở điểm thấp nhất" xưa nay.

chiến sự Nga-Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 5-7 tại Moscow (Nga). Ảnh: TASS

"Chúng tôi coi đây là một nỗ lực để khôi phục đối thoại và tiếp thêm động lực cho quan hệ Nga-EU" - ông Putin nói.

Theo TASS, Nga và Hungary tiếp tục hợp tác dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong một số lĩnh vực, chủ yếu là lĩnh vực năng lượng. Moscow và Budapest cũng duy trì hợp tác về y tế và công nghiệp dược phẩm.

Lập trường về chiến sự Nga-Ukraine

Tiếp đó, nhà lãnh đạo Nga nêu lập trường về cuộc xung đột với Ukraine. Ông Putin khẳng định Nga muốn giải quyết triệt để xung đột ở Ukraine thay vì chỉ đồng ý ngừng bắn hay đình chỉ chiến sự, đài RT đưa tin.

Ông Putin nói rằng không nên có “lệnh ngừng bắn hoặc một hình thức tạm dừng nào đó mà phía Ukraine có thể tận dụng để khắc phục tổn thất và tái vũ trang quân đội”.

“Nga ủng hộ việc chấm dứt hoàn toàn và triệt để cuộc xung đột” - ông Putin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng cuộc xung đột chỉ có thể kết thúc khi một số điều kiện được đáp ứng. Cụ thể, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Kiev phải rút lực lượng khỏi 4 tỉnh Ukraine mà Nga sáp nhập là Donetsk, Luhansk, Zaporizhia, và Kherson.

Ngoài ra còn có những điều kiện khác, nhưng đây là chủ đề cần “xem xét chi tiết trong quá trình làm việc chung nếu có thể”.

chiến sự Nga-Ukraine.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Phần mình, Thủ tướng Orban nhấn mạnh rằng trong hai năm qua rõ ràng là sẽ không thể đạt được một giải pháp hoà bình nếu không có ngoại giao.

"Hòa bình sẽ không tự đến, quý vị phải nỗ lực vì nó” - ông Orban nói.

Theo ông Orban, Hungary đã trở thành một trong số rất ít quốc gia ở châu Âu duy trì liên lạc với cả Nga và Ukraine.

"Đó là lý do tại sao tôi đã ở Kiev đầu tuần này và cũng là lý do vì sao bây giờ tôi đang ở Moscow" - ông Orban nhấn mạnh.

Theo thủ tướng Hungary, lập trường giữa Nga và Ukraine hiện đang rất khác biệt, do đó các bên thực sự cần “tiến thật nhiều bước để tiến gần hơn đến viễn cảnh kết thúc chiến sự".

“Còn rất nhiều bước phải làm để tiến gần hơn đến giải pháp cho cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng tôi [Nga và Hungary] đã thực hiện bước quan trọng nhất, đó là thiết lập liên lạc” - ông Orban nói.

Nhà lãnh đạo Hungary lưu ý rằng cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Âu, nói thêm rằng châu Âu chỉ phát triển nhanh chóng và bền vững khi hòa bình.

Ukraine chưa lên tiếng về phát ngôn của ông Putin.

Hồi tháng trước, ông Putin cũng từng đưa ra các điều kiện chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine, nhấn mạnh có thể "ngay lập tức" chấm dứt các hành động quân sự và bắt đầu đàm phán nếu được Kiev và phương Tây chấp nhận.

Theo điều kiện của ông Putin khi đó, quân Ukraine phải rời khỏi các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia; công nhận 4 khu vực nói trên cũng như bán đảo Crimea là một phần của Nga; và từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên đề xuất đó đã bị Ukraine bác bỏ vì cho rằng đó là một "tối hậu thư" đối với Kiev và nó cũng không thể chấp nhận được.

Tổng thống Nga nhấn mạnh hiện Nga vẫn mở cửa đàm phán và "lời mời gọi" của ông vẫn có hiệu lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm