Cuộc bầu cử sẽ phản ánh đầy đủ suy nghĩ của người dân Nhật. Với cuộc bầu cử này, bên cạnh các mối lo về trì trệ trong kinh tế, một vấn đề chung sẽ nối kết các cử tri đó là tên lửa Triều Tiên.
Tỉ lệ ủng hộ ông Abe gần đây luôn ở mức trên 50%. Nhưng mới hồi giữa tháng 7, ông Abe đã một phen lao đao với các cáo buộc lạm dụng quyền lực, can thiệp vào chính sách Bộ Giáo dục để làm lợi cho người thân quen. Thời điểm đó thăm dò củaMainichi Shimbun cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Abe chỉ 26%. Nhiều ý kiến nhận định tương lai chính trị của ông Abe đã tắt. Nhưng rồi các vụ thử tên lửa “trên đầu người Nhật” và vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên đã xoay chuyển chính trường Tokyo.
Những màn hăm dọa liên tiếp giữa giới lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng khiến người Nhật lo càng thêm lo. Cũng không có dấuhiệu nào chắc chắn Triều Tiên sẽ không còn phóng tên lửa ngang qua vùng trời Nhật Bản. Một cách hy hữu, tên lửa Triều Tiên khiến người dân Nhật lo sợ nhưng lại giúp hồi sinh sự nghiệp chính trị của ông Abe. Tần suất đề cập đến các vụ phóng tên lửa này của truyền thông Nhật đã thuyết phục được người dân: Ông Abe là chính trị gia duy nhất đủ cứng rắn, đủ kinh nghiệm và sẵn sàng ra tay ứng phó mối đe dọa từ bán đảo Triều Tiên.
Tờ SCMP dẫn lời Phó Giáo sư quan hệ Stephen Nagy, chuyên về quốc tế tại ĐH Quốc tế Thiên chúa giáo (Nhật Bản), đánh giá ông Abe đã chơi rất giỏi lá bài Triều Tiên: “Ông ấy đã cho người dân Nhật thấy sức mạnh lãnh đạo trong đối phó với Triều Tiên và lần nữa nhấn mạnh quan hệ an ninh với Mỹ”. Trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, quân đội Nhật đã không ra tay đánh chặn dù nó bay qua lãnh thổ mình. Về phần mình, ông Abe đã kiềm chế không có những lời lẽ quá khích với Triều Tiên vốn sẽ kích động thêm căng thẳng. Theo ông Nagy, điều này thể hiện khả năng lãnh đạo điềm tĩnh, “vững vàng và biết kiềm chế. Nó không chỉ ảnh hưởng tốt đến các cử tri Nhật mà với cả các đối tác trong khu vực”. Ngay cả Liên minh châu Âu cũng đã tuyên bố ủng hộ cách ứng xử của ông Abe.