“Tôi chắc chắn sẽ gặp Iran nếu họ muốn gặp. Tôi không biết liệu họ đã sẵn sàng chưa. Tôi tin rằng có thể họ sẽ muốn có một cuộc gặp gỡ và tôi sẵn sàng gặp bất cứ lúc nào họ muốn” - ông Trump trả lời khi được hỏi liệu có sẵn lòng gặp Tổng thống Iran hay không, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại Nhà Trắng hôm 30-7, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại Nhà Trắng hôm 30-7. Ảnh: REUTERS.
Ông Trump cũng cho biết thêm "không cần có điều kiện tiên quyết nào" cho một cuộc họp với người Iran, thêm rằng: "Họ muốn gặp, tôi sẽ gặp. Bất cứ lúc nào họ muốn”.
Đáp lại tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, cố vấn của Tổng thống Iran, ông Hamid Aboutalebi, viết trên mạng xã hội Twitter ngày 31-7 rằng: "Hãy tôn trọng các quyền của quốc gia Iran, giảm thái độ thù địch, quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là những bước đi cần thiết để mở đường cho đối thoại giữa Iran và Mỹ".
Quan hệ Mỹ - Iran xấu đi kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ quyết định rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5-2018.
Phát biểu của ông Trump cho thấy giọng điệu mềm mỏng hơn so với cách đây một tuần, sau những cảnh báo công khai dành cho Tổng thống Iran mà ông đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 23-7. “Tuyệt đối đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa hoặc các vị sẽ phải gánh chịu hậu quả chưa từng có" – ông Trump viết.
Một ngày trước đó, tức 22-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã cảnh báo chính sách của Mỹ với Iran có thể dẫn tới "mẹ của mọi loại chiến tranh".
Nhà Trắng nói rằng mặc dù Tổng thống Trump "mở cửa đối thoại và đàm phán", điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay tái lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Iran, theo Reuters.
Washington theo đuổi mục tiêu buộc Tehran phải chấm dứt chương trình hạt nhân và ngừng hỗ trợ các nhóm phiến quân ở Trung Đông, nơi Iran tham gia các cuộc chiến tranh ủy nhiệm từ Yemen đến Syria.
Nếu Tổng thống Trump theo đuổi ngoại giao với giới lãnh đạo Iran, ông sẽ phải vượt qua những lo ngại sâu sắc của các đồng minh thân cận trong khu vực, như Saudi Arabia và Israel – các nước đang hoài nghi về đàm phán với chính phủ của ông Rouhani.