Ông Trump giảng hòa căng thẳng vùng Vịnh thất bại

Tờ New York Times hôm 8-9 đưa tin Tổng thống Trump đã sắp xếp một cuộc điện đàm và cam kết mang lại bước đột phá trong sự bất hòa gay gắt đang diễn ra ở thế giới vùng Vịnh, gây đe dọa lợi ích an ninh Mỹ trong khu vực. Các đồng minh Ả Rập này là những quốc gia mua lượng lớn vũ khí của Mỹ, đồng thời còn là nơi có căn cứ quân sự của Washington.

Kể từ tháng 6-2017, Saudi Arabia đã cùng các quốc gia Ả Rập như các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain ban hành lệnh phong tỏa kinh tế nghiêm khắc và tẩy chay giao thông vận tải đối với Qatar với cáo buộc Doha tài trợ chủ nghĩa khủng bố và tìm cách thân thiết hơn với Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) cùng Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad Al Sabah tại buổi họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 7-9. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ cáo buộc, phản đối rằng những nước trên đang tìm cách tước đi quyền chủ quyền của nước này cũng như sự thống trị của kênh truyền hình có ảnh hưởng trong khu vựcAl Jazeera.

Theo bài báo của New York Times, Tổng thống Trump trong tuần qua đã bắt tay vào nhiệm vụ giảng hòa hai bên với tuyên bố sẽ nhanh chóng giành lấy thắng lợi.

“Tôi nghĩ các bạn hẳn sẽ nhanh chóng nhìn thấy một thỏa thuận” – nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định hôm 7-9 khi phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo chung với Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad Al-Sabah tại Nhà Trắng.

Thế nhưng, bài báo của New York Times lưu ý rằng bàn tay của ông Trump có lẽ đã bị suy yếu bởi sự kiên quyết của mình trong việc lựa chọn bên ủng hộ. Ban đầu ông chủ Nhà Trắng ủng hộ Saudi Arabia nhưng sau đó với sự thúc giục của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông Trump đã có cách tiếp cận cân bằng hơn. Ông Tillerson là người quen biết nhiều hơn với các nhà lãnh đạo của hai bên từ khi ông còn giữ chức giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 7-9, Tổng thống Trump lại bất thình lình công kích Qatar khi ông than phiền về “sự tài trợ khủng cho chủ nghĩa khủng bố từ một số quốc gia nhất định”.

Đứng bên Quốc vương Kuwait Sabah al-Ahmad al-Jaber Al Sabah, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo: “Nếu họ không chấm dứt việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, tôi không muốn họ hòa hợp với nhau”.

Căng thẳng vùng Vịnh tiếp tục leo thang bằng việc Saudi Arabia hôm 9-9 tuyên bố ngừng mọi hoạt động đối thoại với Qatar và cáo buộc nước này "bóp méo sự thật". Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo hai nước có cuộc điện đàm được cho là nhằm đem lại bước đột phá trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, theo Reuters.

"Thông tin do QNA đăng tải là sự bóp méo sự thật của Qatar, Saudi Arabia tuyên bố ngừng mọi hành động đối thoại và liên lạc với Qatar cho tới khi nước này đính chính thông tin” - Bộ Ngoại giao Arab Saudi tuyên bố

Trước đó, truyền thông nhà nước của cả hai nước đều đưa tin Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã có cuộc điện đàm để thảo luận về khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và bốn nước Ả Rập trong khu vực.

Hãng thông tấn QNA của Qatar cho biết cuộc điện đàm này tiến hành dựa trên sự sắp xếp của Tổng thống Trump, người đã có cuộc nói chuyện với Quốc vương Tamim trước đó.

Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Saud. Ảnh: PRESS TV

Theo QNA, trong cuộc điện đàm, Thái tử Saudi Arabia đã nêu đề xuất thành lập các phái đoàn để giải quyết mâu thuẫn mà không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên.

Tuy nhiên, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia lại cho rằng chính Quốc vương Qatar mới là người yêu cầu được đối thoại với bốn nước láng giềng Ả Rập gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và UAE nhằm tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng.

Tờ New York Time nhận định các tuyên bố trái ngược này đã “tóm lược sự dữ dội của vụ tranh cãi vốn là nỗi lo lắng của các quốc gia phương Tây có liên minh với cả hai bên.

Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh: “Cuộc chạy đua vị thế đã sụp đổ ở Washington, nơi cả hai phía đều đã đổ cả núi tiền vào các nhà vận động hành lang và quảng bá nhằm gây ảnh hưởng lên công luận và quan điểm chính trị”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới