Ngày 26-6, Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy lịch đi đánh golf cuối tuần, ở lại Nhà Trắng để theo dõi và có những phản ứng kịp thời trước các hoạt động biểu tình và đốt phá ở Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.
Thông báo trên Twitter, ông Trump cho biết mình đã hủy kế hoạch đi đánh golf ở Bedminster (bang New Jersey) cuối tuần này và "ở lại Washington D.C. để đảm bảo trật tự và luật pháp được thi hành".
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết quyết định của ông Trump không liên quan tới quy định mới của New Jersey về việc người dân từ một số địa phương khác đến bang này phải tự cách ly 14 ngày.
Thủ đô Washington D.C. không nằm trong danh sách hạn chế của New Jersey nhưng đầu tuần này, ông Trump đã đến bang Arizona - nơi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa khung hình) đi đánh golf trong hai ngày 23-5 và 24-5 tại Sterling (bang Virginia, Mỹ). Ảnh: EPA
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích những người đã "phá hoại tài sản liên bang" khi cố tìm cách kéo đổ bức tượng ông Andrew Jackson - Tổng thống Mỹ trong giai đoạn 1829-1837, tại công viên Lafayette (gần Nhà Trắng).
Cựu Tổng thống Jackson từng sở hữu 161 nô lệ, tham gia vào việc buôn bán nô lệ và thậm chí còn đưa những người này vào Nhà Trắng để phục vụ cho mình.
Ngày 26-6, ông Trump đã chia sẻ thông báo của Văn phòng Cục Điều tra liên bang tại Washington D.C. về việc tìm kiếm các nghi phạm tham gia hành vi phá hoại ở công viên Lafayette.
"Phần lớn những kẻ đốt phá, vô chính phủ, cướp bóc và kích động đã bị chặn lại. Tôi đang làm những việc cần thiết để bảo vệ an toàn cho cộng đồng và đưa những người này ra trước công lý" - ông Trump viết tiếp.
Sau đó, ông Trump thông báo đã ban hành một sắc lệnh "rất mạnh mẽ" để bảo vệ các công trình mang tính chất kỷ niệm của Mỹ, trong đó cho phép chính quyền liên bang truy tố "đến mức độ cao nhất" bất kỳ ai làm hư hại hay mạo phạm các di tích, tượng hoặc đài tưởng niệm.
Trong sắc lệnh mới, người phá hoại có thể chịu mức án lên tới 10 năm tù. Ngoài ra, ông Trump đe dọa rút lại các hỗ trợ từ chính quyền liên bang cho bất kỳ bang hay cơ quan thực thi pháp luật nào không thể bảo vệ các công trình tưởng niệm, theo Reuters.
Phá đổ các bức tượng có liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc là một trong những diễn biến mới nhất trong phong trào biểu tình phản đối cái chết ngày 25-5 của công dân da màu George Floyd ở bang Minnesota.
Cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin - người ghè đầu gối lên cổ ông Floyd trong gần chín phút khiến người đàn ông da màu tử vong - đã bị cáo buộc tội giết người cấp độ 2 và có thể chịu mức án tử hình.
Tuy nhiên, phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn ở Mỹ và lan ra nhiều nước khác trên thế giới.