Ngày 29-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel chính thức từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump sang thủ đô Washington tham dự cuộc họp khối các nền kinh tế lớn thế giới G7 là cuối tháng 6, theo hãng tin Reuters.
Lời mời này được Tổng thống Trump gửi tới lãnh đạo các quốc gia G7 trước đó, theo tạp chí chính trị Politico. Cuộc họp G7 lẽ ra đã đợc tổ chức từ tháng 3 nhưng phải hoãn lại vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel chọn từ chối lời mời của Tổng thống Trump vì lý do an toàn. Theo người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert, sau khi xem xét tình hình dịch COVID-19 trên diện rộng, bà Merkel cám ơn lời mời của Tổng thống Trump nhưng bà buộc phải quyết định không có mặt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: LA CROIX
Mặc dù hiện tại một số quốc gia đã bắt đầu mở cửa biên giới nhưng bà Merkel vẫn cho rằng tháng 6 là thời điểm quá sớm để tiến hành những cuộc hội họp trực tiếp. Dù các nước dỡ bỏ phong toả nhưng các biện pháp phòng ngừa virus lây lan vẫn phải được đặt lên hàng đầu ở tất cả các quốc gia.
Theo đài CNA, bà Merkel là người đầu tiên đưa ra lời từ chối tham dự cuộc họp. Các nguyên thủ khác của G7 chưa có câu trả lời chính thức.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2018, lưu ý bất cứ cuộc họp trực tiếp nào cũng phải đặt tiêu chí an toàn lên đầu tiên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng "sẵn sàng dự họp nếu sức khoẻ cho phép”. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cũng có thông điệp tương tự thông qua phát ngôn viên của mình.
Dù thế, ít nhất Tổng thống Trump cũng đã nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc tổ chức trực tiếp cuộc họp nhóm G7. Ông Johnson đánh giá cuộc họp G7 thường niên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó, cuộc gặp của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới nếu có thể thì nên tổ chức trực tiếp.
Các nước G7 gồm có Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Mỹ. Các nước sẽ thay phiên nhau tổ chức các cuộc họp hàng năm. Năm 2019 nước tổ chức họp là Pháp.
Tính đến ngày 29-5 Mỹ ghi nhận gần 1,75 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 trong đó hơn 100.000 người tử vong. Trong khi đó theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Đức, tổng số ca nhiễm ở nước này là 183.000 trong đó khoảng 8.500 người chết. |