Ông Trump tiết lộ 'chuyện mật' tại thượng đỉnh ở Hà Nội

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Fox News phát sóng ngày 19-5 tiết lộ rằng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội chỉ muốn phá hủy một hoặc hai trong năm cơ sở hạt nhân quan trọng ở Triều Tiên.

"Sau hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam, tôi nói với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông ấy chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận, vì ông Kim chỉ muốn phá hủy một hoặc hai trong số năm cơ sở hạt nhân. Vậy ba khu vực còn lại thì sao? Điều đó không tốt chút nào", ông Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn của Fox News, nhưng không tiết lộ địa điểm năm cơ sở hạt nhân đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: YONHAP

Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng Triều Tiên đã không thử hạt nhân và tên lửa tầm xa khi chính quyền của ông thực hiện những nỗ lực ngoại giao. “Triều Tiên không tiến hành vụ thử nào trong hai năm qua. Không vụ thử nào”, ông Trump nhấn mạnh.

Theo tờ Korea JoongAng Daily, khi được hỏi về các cơ sở hạt nhân mà Tổng thống Trump nhắc tới ở trên, một quan chức Nhà Xanh ngày 21-5 nói rằng: “Chính phủ của chúng tôi đang theo dõi chặt vấn đề Triều Tiên. Nhưng chúng tôi không thích hợp để xác nhận về cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên”.

Đồng thời, vị quan chức trên cho biết Nhà Xanh không thể xác nhận địa điểm năm cơ sở mà Tổng thống Trump đã đề cập.

Cũng theo Korea Joongang Daily, hai cơ sở hạt nhân mà ông Trump nói ông Kim đã đề nghị tháo dỡ có khả năng gồm khu phức hợp hạt nhân Yongbyon ở tỉnh Bắc Pyongan – cơ sở mà Triều Tiên cam kết tháo dỡ vĩnh viễn tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai và bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở quận Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Triều Tiên đã đánh sập các đường hầm tại bãi thử Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế cách đây một năm, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.

Ngoài ra, một nhà máy làm giàu uranium bí mật tọa lạc ở Kangson, quận Chollima, TP Nampo thường xuyên được các nhà phân tích đề cập có khả năng nằm trong danh sách năm cơ sở hạt nhân mà ông Trump nhắc tới. Một cơ sở làm giàu uranium cấp độ cao bí mật ở Bungang, chỉ cách Yongbyon vài km, trước có cũng được báo cáo là một cơ sở hạt nhân tiềm năng mà Tổng thống Trump muốn loại bỏ. Các chuyên gia cũng đã nhắc tới một nhà máy làm giàu uranium cấp độ cao ở Sowi-ri, tỉnh Bắc Pyongan, phía bắc Yongbyon.

Triều Tiên đánh sập bãi thử hạt nhân Punggye-ri hôm 24-5-2018. Ảnh: EPA/EFE

Các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng rơi vào bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội (Việt Nam) cuối tháng 2 kết thúc mà không có thỏa thuận chung.

Tổng thống Trump yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước khi được Mỹ xóa bỏ trừng phạt. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đề nghị tháo dỡ bãi thử Yongbyon nhằm được dỡ bỏ một phần trừng phạt. Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Trump cho rằng như vậy là không đủ.

Tình hình bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng sau hai vụ phóng tên lửa đầu tháng 5 của Bình Nhưỡng. Đây được coi là thông điệp thể hiện sự thất vọng của Triều Tiên với tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bế tắc. Ông Kim Jong-un đặt hạn chót là cuối năm nay, Mỹ phải có quyết định linh hoạt hơn. Cụ thể, Washington phải đưa ra những điều khoản của một thỏa thuận mà hai bên có thể chấp nhận được để cứu vớt tiến trình ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ ngày 9-5 bắt giữ tàu chở hàng Wise Honest của Triều Tiên với cáo buộc chở than đá, vi phạm nghị quyết trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Triều Tiên ngày 21-5 đòi Mỹ trả lại tàu hàng đang bị bắt giữ, cảnh cáo vụ việc vi phạm chủ quyền Triều Tiên và sẽ có hệ lụy trong tương lai.

Theo hãng tin Yonhap, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 21-5 đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở TP New York, Mỹ để yêu cầu Washington ngay lập tức trả lại tàu hàng từng bắt giữ của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này.

“Mỹ nên cân nhắc và suy nghĩ về hậu quả từ những hành động thái quá của nước này đối với các diễn biến trong tương lai. Mỹ cũng nên trả lại tàu hàng của chúng tôi ngay lập tức. Chúng tôi xem con tàu là một phần của lãnh thổ, nơi chủ quyền của chúng tôi được thực thi đầy đủ”, Đại sứ Kim Song nhấn mạnh.

Theo ông Kim Song, động thái bắt giữ tàu của Mỹ đi ngược lại với tinh thần tuyên bố chung của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại sứ Kim Song cho biết Triều Tiên sẽ “theo dõi sát sao mọi động thái của Mỹ”. Ông Song tuyên bố Triều Tiên lên án “ở mức mạnh mẽ nhất” hành động bắt tàu của Mỹ vì đây là một “sản phẩm của chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm