PGS.TS Trần Đáng giãi bày về đề xuất nước mắm là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(PLO)- PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh, việc đề xuất chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể không phải là chứng nhận sản phẩm nước mắm mà là cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống.

Liên quan đến đề xuất công nhận nước mắm là di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam mà dư luận quan tâm những ngày qua, ngày 5-10, PLO đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.

. PV: Những ngày qua, báo chí đưa tin tại toạ đàm Nước mắm Việt - nâng tầm ẩm thực Việt Nam, ông có cho biết Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cùng nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Cụ thể thì đề xuất này là như thế nào, thưa ông?

+ PGS.TS Trần Đáng: Một số cơ quan báo chí chưa hiểu đầy đủ câu chuyện nên hiểu lầm.

Tôi nói có hai ý. Một là làm hồ sơ để đề nghị với cơ quan có thẩm quyền sẽ chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể đối với nước mắm Việt Nam. Theo quy định, không phải ai cũng đứng ra làm hồ sơ đề nghị được mà phải là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch của một tỉnh. Tuy nhiên, phía Sở không thể tự làm hết một mình, họ vẫn cần sự hỗ trợ của xí nghiệp, hiệp hội. Từ phía hiệp hội, chúng tôi sẽ chủ động hỗ trợ, thấy cơ sở nào có đầy đủ các điều kiện, tiêu chí thì cùng với cơ sở đó thảo luận, để họ làm hồ sơ đề xuất với Sở, sau đó Sở tiếp tục xem xét, hoàn thiện hồ sơ rồi mới trình lên Cục Di sản...

Hai là chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể không phải là chứng nhận sản phẩm nước mắm. Nói đến nước mắm thì có hai yếu tố, một là sản phẩm nước mắm, hai là cơ sở sản xuất nước mắm. Theo nguyên tắc, chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể phải là cơ sở sản xuất thủ công nước mắm, không thể là sản phẩm nước mắm.

6-nuoc-mam_CXLW.jpg.jpeg
Sản xuất nước mắm truyền thống tại Phú Quốc. Ảnh: DƯƠNG ĐÔNG

Tuy nhiên, về việc này, tôi mới chỉ đưa ra ý tưởng trong tọa đàm vừa rồi. Vì mới là ý tưởng nên nếu các ý kiến thấy tốt thì tiếp tục làm, còn chưa được thì thôi, không làm nữa.

. Căn nguyên từ đâu mà ông lại đưa ra ý tưởng này?

+ Mục đích của tôi cũng chỉ muốn làm được điều gì tốt, có lợi cho sự phát triển của ngành nước mắm Việt Nam. Việc chứng nhận di sản như vậy sẽ có lợi cho sự phát triển của ngành, nâng tầm văn hoá ẩm thực nước mắm Việt Nam.

Nước mắm Việt Nam có lịch sử phát triển từ rất sớm, được dùng trong hầu hết mọi bữa cơm của các gia đình Việt Nam. Nước mắm giàu axit amin, chất khoáng, omega 3, vitamin, là bốn vi chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khoẻ con người.

Từ dinh dưỡng của nước mắm đến quá trình sản xuất nước mắm đều thể hiện rất rõ tính văn hoá, khoa học, lịch sử, là những yếu tố có thể đề xuất chứng nhận là di sản văn hoá phi vật thể, để ngành nước mắm phát triển, cả thế giới đều biết.

Hiện nay, có nước mắm Phú Quốc đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận di sản văn hoá. Ở các tỉnh cũng có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm lâu đời, nổi tiếng. Nếu mình thấy chỗ nào có đủ điều kiện như mang tính đại diện, sản xuất thủ công truyền thống, mang tính cộng đồng và mang nét đặc trưng đa diện văn hoá thì cùng thảo luận, hướng dẫn họ nên làm những việc gì có lợi cho sự phát triển, vì có khi họ không biết. Còn tôi nhắc lại, để làm hồ sơ công nhận di sản này thì phải là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, hiệp hội chỉ hỗ trợ mà thôi.

. Ông đã trao đổi ý tưởng này với địa phương hay cơ sở sản xuất nước mắm nào chưa, thưa ông?

+ Chưa, tôi mới đưa ra ý tưởng này trong toạ đàm vừa rồi. Ý nghĩa của hội thảo/toạ đàm là có thể thoải mái đưa ra các ý kiến, suy nghĩ của mình chứ chưa phải đưa vào kế hoạch, phải làm cái này, cái kia. Vì mới ở mức ý tưởng nên nếu mọi người đều thấy tốt thì mình tiếp tục làm, còn các ý kiến thấy rằng chưa được thì thôi, không làm nữa. Mà kể cả nếu mọi người đồng tình với ý tưởng này thì còn cần thời gian nghiên cứu, mời các nhà khoa học, hội thảo nhiều lần mới có kết luận được.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm