“Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở TN&MT và Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cùng các đơn vị liên quan đã đăng tải công khai, minh bạch thông tin về dự án bất động sản (BĐS) đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên phương tiện thông tin đại chúng, website của đơn vị… Mục đích nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch BĐS”. Đó là ý kiến của ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKĐĐ TP (thuộc Sở TN&MT), tại buổi họp báo thông tin về các dự án BĐS đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP ngày 28-7.
Cao ốc văn phòng HDRC số 36 Bùi Thị Xuân, quận 1 là một trong 77 dự án được Sở TN&MT TP.HCM công khai vừa qua. Ảnh: HTD
Ông Liên cho hay theo quy định pháp luật hiện hành, việc chủ đầu tư thế chấp các dự án là bình thường. Tuy nhiên, kèm theo đó là những quy định, yêu cầu cụ thể để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người mua. “Đầu tiên, khi bán nhà phải rút bớt tài sản thế chấp để chống tình trạng một tài sản thế chấp hai lần. Thứ hai, khi cấp giấy chứng nhận cho người mua, dù chỉ có một căn đầu tiên thì chủ đầu tư phải đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp riêng cho mình chuyển thành quyền sử dụng đất chung cho cư dân” - ông Liên lưu ý.
Sau phát biểu của ông Liên, nhiều báo đặt câu hỏi:
Toàn TP có khoảng 600 dự án nhưng Sở chỉ công bố 77 dự án đang thế chấp, vậy các dự án còn lại đang trong tình trạng ra sao? Ông Liên trả lời: Các dự án được công khai đợt này đã có xác nhận của Sở Xây dựng đủ điều kiện để huy động vốn quy định tại Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. “Danh sách của Sở Xây dựng là 36 dự án nhưng chúng tôi công khai 77 dự án vì bao gồm luôn những dự án đã bán nhà trước đó hoặc đã bàn giao nhà toàn bộ/một phần cho người mua” - ông Liên giải thích.
Việc công khai không đầy đủ thông tin về các dự án trong danh sách có phản tác dụng bởi có thể gây hiểu lầm hay tạo tâm lý hoang mang cho người mua? Ông Liên trả lời: Sở rất muốn đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ nội dung (như mục đích vay khi thế chấp) nhưng gần như các hợp đồng thế chấp đều không có nội dung này. Còn việc có gây tâm lý bất an cho người mua và các chủ đầu tư hay không thì cần có sự phản hồi từ dư luận.
Ông Liên cho biết thêm, ngoài hình thức công khai trên website như trên, người mua các dự án khác muốn biết dự án của mình có thế chấp hay không thì có thể liên hệ VPĐKĐĐTP hoặc các chi nhánh.
Hiện tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì đang được thành lập để thực hiện rà soát tổng thể các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. “Tổ công tác có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan như Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… Do đó pháp lý của dự án sẽ được rà soát đầy đủ và toàn diện hơn. Hy vọng tổ công tác sẽ có thông tin đầy đủ về tình hình sức khỏe của dự án để công bố cho người mua” - ông Liên cho biết. Ông Liên cũng cho rằng trong các nội dung cần công khai, ngoài tình trạng thế chấp thì vi phạm xây dựng (nếu có) hoặc chủ đầu tư bị vướng tố tụng cũng là những nội dung quan trọng cần công bố. “Chẳng hạn dự án xây lố tầng, chuyển đổi công năng không được phép nên đang bị xử lý vi phạm… là những thông tin người mua nhà cần phải biết để tránh thiệt hại” - ông bày tỏ. |