Khi quyền lực không được kiểm soát thì chính là lúc liêm chính không có chỗ đứng trong công quyền và xã hội. Hệ lụy là “xin-cho” sẽ ăn sâu vào tư duy, phong cách, chính sách…
TS Nguyễn Đình Cung khi vừa tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giữa Chính phủ và các địa phương kể lại rằng ông không thấy những kiến nghị cải cách, tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng… từ các địa phương. Thay vào đó những địa phương phát biểu chủ yếu xin Chính phủ hỗ trợ. Điều này dường như đi ngược với “sáng tạo” mà Thủ tướng vừa đưa vào phương châm hành động của Chính phủ. Nếu còn xin-cho thì nguồn lực phân bổ không hiệu quả đã đành, mà ngay cả liêm chính cũng khó định hình trong quan hệ hành chính.
Tính ra, không chỉ đối với khu vực hành chính, mà ngay cả khu vực kinh tế cũng vẫn tồn tại cơ chế xin-cho. Còn nhớ tại cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh ngày 17-5-2017, đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, người thì yêu cầu hỗ trợ đất đai, người lại yêu cầu hỗ trợ tài chính. Ít có những khuyến nghị về chính sách đúng như yêu cầu “hành động” tại thời điểm đó. Xin-cho vẫn ngự trị và khó có thể thúc đẩy liêm chính.
Không chỉ vậy, dù các bộ, ngành hiện nay ráo riết thực hiện cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiến nghị sửa nhiều luật… nhưng đâu đó trong các cải cách, những thủ tục hành chính, những giấy phép con vẫn tồn tại. Những quy định cho phép cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh vẫn được cài cắm bất chấp những mệnh lệnh từ Chính phủ. Trong khi đây chính là những nguyên nhân làm hạn chế gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho hành vi nhũng nhiễu.
Đủ thấy một điều: Liêm chính vẫn còn khó khăn trong việc định hình. Bởi đơn giản là tư duy xin-cho vẫn đang chi phối.
Đối với một chính quyền của dân, do dân và vì dân thì liêm chính là một trong những lý do căn bản nhất để chính quyền ấy tồn tại. Nhưng con đường đi tới liêm chính “nói thì dễ, làm thì khó”.
Có thể vì thế mà một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra trong năm 2018 là: Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chí lý! Là bởi vì hành chính càng hành doanh nghiệp, người dân thì kỷ luật, kỷ cương sẽ chẳng thể kìm được con ngựa bất kham tham nhũng. Cũng vì thế mà hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, vốn là cái lồng kiểm soát quyền lực, sẽ không thể thực hiện được chức năng vốn có. Tham nhũng sẽ phá bung giềng mối quốc gia.
Và đương nhiên, thúc đẩy liêm chính phải xác định bỏ cơ chế “xin-cho”.