Phải kiểm soát việc cài cắm lợi ích nhóm khi làm luật

Ngày 19-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Đây là lần thứ tư Luật Ban hành VBQPPL được sửa đổi.

Cần thể chế hóa ý kiến của người dân trong luật

Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH), nguyên Viện trưởng Viện Lập pháp, Luật Ban hành VBQPPL hiện hành chưa phát huy được trong cuộc sống. “Nguyên nhân luật này chưa vào cuộc sống nằm ở mấy khâu chưa tốt sau: Thẩm định chưa tốt, thẩm tra chưa tốt, đánh giá tác động chưa tốt, lấy ý kiến nhân dân còn hình thức…!” - ông Quyền khái quát.

Theo ông Quyền, để Luật Ban hành VBQPPL nói riêng và các văn bản luật khác đi vào sống được trong đời sống thì MTTQ không phải là chỉ “tham gia” mà phải “tiến hành” phản biện ở tất cả giai đoạn: Xây dựng - ban hành - thực hiện. “Tôi cho rằng MTTQ tiến hành phản biện là điều bắt buộc. Đây là cơ sở rất tốt để MTTQ thể chế hóa quy định tại Hiến pháp 2013 về chức năng phản biện xã hội!” - TS Quyền nói và nhấn mạnh MTTQ Việt Nam tiến hành phản biện theo hiến định sẽ bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp của văn bản luật với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn, tránh được những VBQPPL ban hành kiểu… “trên giời”.

GS Nguyễn Đăng Dung, Khoa luật - ĐHQG Hà Nội, thì cho rằng ý kiến nhân dân phải được chuyển thành thể chế thông qua cơ quan tập hợp là MTTQ. “Do đó trong dự thảo Luật Ban hành VBQPPL phải quy định tất cả dự thảo luật trước khi đưa ra QH phải có ý kiến của MTTQ” - ông Dung nêu đề xuất.

TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH: “ Soạn thảo luật hiện nay người ta cài lợi ích nhóm rất kín”. Ảnh: BCL

“Người ta cài lợi ích nhóm rất kín”

Ông Quyền cho rằng: “Soạn thảo luật hiện nay người ta cài lợi ích nhóm rất kín, chỉ chuyên gia pháp luật mới phát hiện được. Nếu không phát hiện thì gây hậu quả không nhỏ về sau”.

Theo ông Quyền, trước năm 2003, các dự án luật sau khi đại biểu QH có ý kiến thì cơ quan soạn thảo phải về chỉnh lý. “Nhưng QH xi nhan bên phải thì về ông (soạn thảo dự luật) lại rẽ trái. Tức là QH, đại biểu QH cho ý kiến một đằng thì về sửa một nẻo” - ông Quyền nói. Thậm chí còn có tình trạng, theo ông Quyền, ra QH bảo chưa được, lại đưa về sửa tiếp, cứ thế… Điều đó làm cho QH thấy rất mệt mỏi. “Đấy là khi tôi phục vụ QH khóa VIII tôi thấy buồn cười lắm. Mà thời đó còn ít lợi ích nhóm” - ông Quyền nói.

Từ đó, ông Quyền lập luận QH phải là nơi làm luật, từ soạn thảo cho đến các khâu khác. Điều này không phải quy trình mà là quyền lập pháp của QH. “Không thể nói giao cho ai cũng được hay ai tốt hơn thì giao cho người ấy. Không phải!” - ông Quyền nói và cho rằng QH phải nắm trọn quyền lập pháp của mình, bao gồm quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phân công soạn thảo, phân công thẩm tra cho ý kiến dự án luật, chỉnh lý…

Tuy thế, GS Nguyễn Đăng Dung lại cho rằng: “Người ta nói QH lập pháp là QH làm mọi thứ. Không phải vậy đâu!”.

GS Dung cho rằng không phải cái gì cũng làm luật, chỉ cái gì cần thiết mới làm. Luật phải do cuộc sống hình thành và người dân chấp nhận chứ không phải “ép” từ trên xuống.

“Quan điểm của tôi không phải là QH làm luật. QH chỉ làm một số căn bản thôi chứ không phải cái gì cũng làm luật” - GS Dung nói.

Ông ví việc làm luật như “vá xăm xe đạp”: “Khi xe đi được vẫn cứ đi, đừng có chọc ra để vá”.

Từ đó, GS Dung đề nghị chỉ cần “chỉ ra ông nào làm luật tốt nhất như thông lệ “Chính phủ trình dự án luật và theo đuổi đến cùng”. Bởi GS Dung lý giải: “Chính sách thì xuất phát từ thực tiễn, người dân đồng ý với các dự thảo chính sách và Chính phủ phải trình dự án luật đó ra QH”.

Việc gửi tài liệu không đúng thời hạn gây nhiều khó khăn 

Tôi rất là buồn và thấy nhiều cái bức xúc lắm. Ngày xưa khi chúng tôi là chuyên viên, anh Yểu (ông Nguyễn Văn Yểu - Phó Chủ tịch QH khi ấy) bảo Quyền ngồi ra kia viết cho anh bảy điều về tội phạm trong chứng khoán. Thế là mình khoảng 1 tiếng sau phải trình rồi. Giờ có một số vụ trưởng ở Văn phòng QH không biết viết điều luật thì rõ ràng năng lực rất có vấn đề.

Tôi đề nghị đưa vào dự luật này quy định nếu gửi tài liệu không đúng thời hạn quy định thì không thẩm tra và không trình QH. Vì đây là căn bệnh trầm kha bao nhiêu năm nay rồi. Cứ chuẩn bị QH họp thì mới trình sang, thời gian không đủ cho nên tất cả quy trình thẩm tra không bảo đảm chất lượng.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUYỀNnguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
của QH,nguyên Viện trưởng Viện Lập pháp
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm