Từ loạt bài điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM:

Phải thay đổi quan điểm về cho, nhận tạng

(PLO)- Tuyên ngôn Istanbul 2008 về hiến tạng và “ấn bản mới” đòi hỏi người nhận không phải bỏ ra và người hiến không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào cho việc hiến và nhận tạng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Loạt phóng sự điều tra về đường dây buôn bán thận trên Pháp Luật TP.HCM (từ ngày 9 đến 12-10-2023) đã phơi bày một thị trường tạng phủ ngấm ngầm nhưng nhộn nhịp suốt bao năm qua.

“Thị trường buôn bán tạng” là những đường dây với những xúc tua chằng chịt bám vào người dân, dụ dỗ họ cắt bán thận. Rồi chính những nạn nhân này trở thành “cò” buôn thận lôi kéo thêm nhiều người vào.

Mua bán thận cứ tái diễn

Chỉ cần vào Facebook với từ khóa “hiến thận”, “hội hiến - ghép thận” sẽ hiện ra vô số giao dịch như một cái chợ “online” để người ta ngã giá.

Nhu cầu “một vé sự sống” chưa bao giờ hết nóng. Dù công an có vào cuộc, có bắt, xét xử thì người trong cuộc vẫn xem như ai đó xui rủi. Và giá một quả thận mỗi ngày lại đắt thêm, từ 900 triệu đồng cách đây năm năm, giờ được “cò” ra giá 1,3-1,5 tỉ đồng/quả thận.

P5_chinh_phannhon_ttam.jpg
Một ca ghép tạng tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: PHAN NHƠN

Về vấn đề đạo đức và pháp lý trong việc buôn bán bộ phận cơ thể người, nhiều người cứ vin vào chuyện “cung - cầu”. Theo họ, một mạng sống dù bao nhiêu tiền cũng không mua nổi. Đằng này một quả thận hơn cả một món quà của “sự sống”.

Từ những quan điểm này, nhiều người nợ nần đi bán tạng, kẻ môi giới kiếm lợi và cả người bệnh muốn thoát cảnh chạy thận chết mòn nhắm mắt làm ngơ. Để rồi từng người trong số họ bước một chân vào lựa chọn nghiệt ngã là mua bán, môi giới tạng phủ.

1.115 ca ghép bộ phận cơ thể người được BV Chợ Rẫy thực hiện trong 30 năm qua, tỉ lệ tạng hiến người cho sống chiếm đến 95%.

BV Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp mở rộng nguồn thận hiến như ghép thận từ người cho chết não (năm 2008), từ người cho tim ngừng đập (năm 2015), ghép đổi chéo người cho (năm 2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (năm 2021)...

Pháp luật đã rất nghiêm minh với hành vi mua bán bộ phận cơ thể người. Vừa qua, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán tạng xuyên quốc gia, 16 năm tù là cái án rất nặng. Song việc chứng minh giữa “buôn bán” và “nhân đạo” cứ lòng vòng khiến cho việc này tái diễn.

Thay đổi nhận thức về nhân văn

Để thay đổi thực trạng này, phải thay đổi nhận thức của xã hội, quan niệm của một số y bác sĩ. Cần khẳng định sự nhân văn, nhân đạo trong vấn đề này: Hiến tặng nghĩa là cho đi không cần đền đáp.

Người hiến tạng là hiến cho y học để phục vụ cứu và khám chữa bệnh cho người dân. Nếu bạn muốn đền ơn hoặc bạn nhận sự đền ơn ấy, nếu có sự trao đổi dù chỉ 1 xu, 1 đồng thì việc đó trở thành buôn bán. Nhân đạo, nhân văn là không vì hoàn cảnh khó khăn để cắt đi một bộ phận cơ thể đem bán bất chấp tính mạng, tiếp tay cho kẻ khác hưởng lợi trên thân xác người.

Tuyên ngôn Istanbul 2008 về hiến tạng và “ấn bản mới” của nó được trình bày năm 2018 tại Madrid với sự tham gia của các tổ chức khoa học, y khoa quốc gia và quốc tế có liên quan đến hiến, ghép tạng đều chỉ rõ nguyên tắc “trung lập về tài chính”.

Theo đó, các hành vi mời gọi hoặc chiêu dụ người hiến tạng hoặc người nhận tạng để thực hiện mục tiêu lợi ích tài chính hoặc vì lợi thế so sánh; hứa hẹn hoặc trợ giúp hoặc tiếp tay lấy hoa hồng, bất kỳ hành động nào trong số này đều bị coi là buôn bán nội tạng. Nguyên tắc này đòi hỏi người nhận không phải bỏ ra và người hiến không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào cho việc hiến và nhận tạng.

Một vị giáo sư lâu nay quyết liệt chống buôn bán tạng đã ví von việc bán thận do nghèo khó cũng giống như Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Tuy nhiên, bán mình thì không chết, còn bán một quả thận có nguy cơ chết. Vì vậy, mua bán thận là việc làm trái pháp luật, vô đạo đức.

Đến hiện tại vẫn chưa có một quy trình chuẩn nào của Bộ Y tế đưa ra cho các bệnh viện về việc hiến tạng từ người cho sống. Mỗi bệnh viện sẽ làm một kiểu, một bộ quy tắc riêng dù bệnh viện nào được cấp phép ghép tạng cũng có một đơn vị “điều phối ghép bộ phận cơ thể người”. Đơn vị này học theo mô hình nước ngoài, nó như một cánh cửa gác cổng cho các vấn đề liên quan đến pháp lý, đạo đức trong các ca ghép tạng. Đặc biệt, trước các ca mổ ghép có một hội đồng đạo đức sẽ kiểm duyệt lần cuối trước khi hai người hiến và nhận lên bàn mổ.

Thay đổi để giữ niềm tin

Vậy tại sao vẫn có hàng chục, thậm chí hàng trăm ca ghép thận dưới vỏ bọc “hiến tạng nhân đạo” trót lọt qua hết tất cả vòng này để lên bàn mổ và đằng sau là những giao dịch cả tỉ đồng cho một quả thận? Bác sĩ có biết, có nghi ngờ mục đích của việc “hiến tặng” này không?

Phải nói rằng sẽ có những thủ đoạn tinh vi của “cò” như làm giả giấy chứng minh huyết thống, giấy chứng nhận kết hôn... để hợp pháp hóa, song một ca ghép phải khám, tầm soát, kiểm tra qua lại trung bình 2-6 tháng, không lẽ nào bác sĩ không nhận ra nhiều điều bất thường trong “tình thương” giữa hai người cho và nhận?

Nếu cứ căn cứ vào việc bác sĩ chỉ giỏi chuyên môn, không giỏi kiểm tra giấy tờ, xác minh vì việc đó của công an thì sẽ không thể chấp nhận. Về mặt đạo đức y khoa, nếu chỉ chú trọng ghép thêm nhiều ca để lập kỷ lục sẽ dẫn đến bỏ lọt kẽ hở cho tội phạm buôn bán tạng khai thác.

Ghép tạng phải được chú trọng cả về pháp luật, hệ quả xã hội chứ không thể nào tập trung tất cả để chỉ trở thành chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này được.

Niềm tin xã hội liệu có thể đặt vào những phẫu thuật viên có dính đến các ca mổ có tính thương mại? Khi niềm tin ấy bị tổn thương thì còn ai sẽ hiến tạng cứu người? Người thiệt hại cuối cùng chính là bệnh nhân và đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Họ lại tiếp tục bán nhà cửa, đất đai để mua một tấm vé của sự sống trên chợ buôn bán tạng online. Hậu quả nặng nề hơn là thế giới sẽ nhìn ta như một nước buôn bán tạng, các hội, hiệp hội về nghề y sẽ từ chối chuyển giao và đào tạo những bác sĩ giỏi của chúng ta ra nước ngoài tu nghiệp.

Cần hướng đi mới trong việc cho nhận

Nếu Việt Nam chúng ta tập trung phát triển lĩnh vực ghép tạng từ người cho chết não, chúng ta sẽ có thêm cơ hội cứu sống hàng ngàn con người, hướng đi bền vững trong tương lai cho hàng ngàn bệnh nhân suy đa tạng mòn mỏi chờ tạng hiến.

Ngành ghép tạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc suốt 30 năm qua nhưng chỉ ở người lớn, ở lĩnh vực nhi chúng ta đang giậm chân tại chỗ.

GS Trần Đông A, người từng tách ca song sinh Việt - Đức, vẫn rất trăn trở, muốn xây dựng và sửa đổi luật để phù hợp trong lĩnh vực ghép tạng, giúp bệnh nhi suy tạng có nhiều cơ hội sống hơn. Bởi trẻ em, những mầm xanh tương lai của đất nước, đáng để cứu sống, cứu nhiều hơn và có ý nghĩa tương lai hơn. Và trước những lần báo chí thông tin một đường dây buôn bán tạng thì ông thường trăn trở: “Chúng ta phải đi theo con đường chung của thế giới, bắt kịp họ chứ không phải đi theo một ngã rẽ để rồi ngành ghép tạng chúng ta đi vào ngõ cụt…”.

Vấn nạn buôn bán thận nói riêng và buôn bán bộ phận cơ thể người nói chung tạo nên những tổn thương và hậu quả to lớn cho xã hội về sức khỏe, đạo đức. Muốn thay đổi nó, phải thay đổi cả sự lựa chọn cách cho và nhận của người trong cuộc. Và có thể phải điều chỉnh cả sự lựa chọn cách phát triển ngành ghép tạng

Số ca ghép tạng nhi quá khiêm tốn

19 năm trước, ca ghép thận nhi ở Việt Nam được thực hiện, mang lại sự sống cho bé gái 12 tuổi tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

Đến nay ngành ghép tạng nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, cả nước có 19 cơ sở thực hiện khoảng 4.000 ca ghép. Song tại BV Nhi đồng 2, được xem là trung tâm ghép tạng nhi đi đầu ở khu vực phía Nam, chỉ mới có 20 ca ghép thận từ người cho sống và hai ca ghép từ người cho chết não (người lớn). Còn kỹ thuật ghép gan đến nay chỉ có 25 ca.

Nhiều chương trình nhằm hỗ trợ để phát triển ghép tạng nhi như yêu cầu sửa đổi Luật Hiến, ghép mô tạng cho phép người hiến tạng chết não dưới 18 tuổi để giải quyết nguồn tạng khan hiếm; xây dựng chương trình điều phối ghép tạng giữa ba BV Chợ Rẫy, Nhi đồng 2 và Thống Nhất.

Song đến nay những khó khăn trong lĩnh vực ghép tạng ở nhi vẫn đang rất chậm so với người lớn.

P5_BOX_phannhon_ttam.jpg
Bệnh nhi Nhật Trúc (ngoài cùng bên phải) là ca ghép thận đầu tiên vào 19 năm trước và GS Trần Đông A là người thực hiện ca mổ năm đó cùng với các chuyên gia đến từ Pháp. Ảnh: PHAN NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm