Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng việc “phân cấp, phân quyền, trách nhiệm tập thể, cá nhân”, song trong thực tiễn có nhiều tồn tại.
“Hình ảnh phó chủ tịch quận phải xắn tay dẹp vỉa hè. Rồi những việc cấp huyện, cấp xã phải có ý kiến Thủ tướng mới được giải quyết xảy ra không hiếm. Tình trạng trên phản ánh tính thiếu hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp huyện, cấp xã” - ĐB Hiển dẫn chứng và đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp.
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)
Đồng cảm với vấn đề ĐB Hiển đặt ra, Thủ tướng cho hay bản thân ông cũng thấy “rất thấm thía” đối với vấn đề phân cấp, giao quyền. “Bây giờ phân cấp, giao quyền của chúng ta còn nhiều vấn đề lắm. Luật pháp cũng có vấn đề, tình trạng ngại việc, đẩy việc lên trên còn rất nhiều. Vì vậy cần tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, trách nhiệm cũng phải rõ hơn” - Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Đồng chí có hỏi là giải pháp đột phá nào? Giải pháp chúng ta đưa ra nhiều nhưng việc xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong xử lý kịp thời hơn là rất quan trọng”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng cũng cho hay tới đây Chính phủ sẽ trình QH việc phân cấp, giao quyền theo luật pháp để hệ thống bộ máy hoạt động có kỷ cương, kỷ luật, phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, cơ chế này sẽ phân cấp rành mạch. “Trung ương làm những việc vĩ mô thế nào, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã làm những gì... Việc này sẽ được phân cấp rõ hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nhất là thứ Hai này (20-11), Quốc hội sẽ thảo luận về cơ chế cho TP.HCM” - Thủ tướng nói.
Liên quan đến chất vấn của ĐB Hiển về nạn sính bằng cấp, Thủ tướng nói: “Vấn đề sính bằng cấp, không trọng người tài, đây là thực tiễn trong hệ thống của chúng ta. Đây là vấn đề nhận thức trong hệ thống của chúng ta. Hôm nay có đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ở đây, chúng ta phải tính toán lại việc này. Người thực tài, người thực việc thực, giữa lời nói và hành động, tư duy và hành động rất cần thiết. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm chung trong nhận thức và hành động của chúng ta”. |