Phân khúc 'nóng' nhất trên thị trường bất động sản

(PLO)- Dù nền lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn nhưng cả chủ đầu tư và người tiêu dùng vẫn cần chờ đợi đến khi Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực kể từ 1-8 tới đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-6, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.

Tín dụng bất động sản thoát sàn

Ông Lệnh cho biết, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây.

Cụ thể, tháng 3, tín dụng bất động sản tăng 0,96%; tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tiếp tục tăng trưởng 1,15%. Mức dư nợ đạt 992.800 tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.

Tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4-2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).

"Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỉ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn. Cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế", ông Lệnh nói.

Đứng từ góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc ngân hàng Quân đội (MB), cho hay trong bất động sản có 4 lĩnh vực gồm: Ngân hàng cho người dân vay để mua nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản các dự án nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng.

bất động sản khu công nghiệp
Nhiều ngân hàng tập trung giải ngân cho dự án bất động sản khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Theo ông Ánh, trong 6 tháng đầu năm, 4 lĩnh vực đều gặp khó khăn. Đối với cho vay mua nhà để ở, do kinh tế khó khăn và tình hình thu nhập của người dân thấp nên nhu cầu mua nhà, chuyển đổi nhà khá chậm. Do đó, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng đều bị ảnh hưởng, trong đó có MB bởi đây lại là lĩnh vực được các ngân hàng cổ phần xác định là trọng tâm cho vay chính.

Thị trường cho vay bất động sản các dự án cũng rất chậm, giao dịch khá ít và giá vẫn ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, nhu cầu mua nhà của người dân chưa sôi động.

Lĩnh vực khó khăn thứ hai là bất động sản nghỉ dưỡng. Sau COVID-19, mảng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa được phục hồi dù lượng khách du lịch phục hồi một phần so với trước Covid-19. Trong khi nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng quá lớn ở giai đoạn Covid và trước Covid.

Điểm sáng nhất của thị trường bất động sản

Theo ông Ánh, bất động sản khu công nghiệp có thể nói là điểm sáng nhất trong 6 tháng đầu năm. Cơ bản các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp đều tăng trưởng. Các dự án bất động sản khu công nghiệp cơ bản được tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý.

Vừa qua, NHNN cũng hạ hệ số rủi ro tín dụng bất động sản công nghiệp từ 200% xuống 160%, khuyến khích các ngân hàng cho vay. MB cũng là một ngân hàng cho vay nhiều trong mảng bất động sản khu công nghiệp. Cạnh đó, sự dịch chuyển của FDI vào Việt Nam cũng có tác động tốt lên mảng này.

Số liệu mới nhất từ NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, tín dụng bất động sản để phát triển hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp, văn phòng cho thuê tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng và tăng trưởng cao nhất so với lĩnh vực khác.

Trong đó, tín dụng khu chế xuất - khu công nghiệp tăng 9,47% và tín dụng văn phòng, cao ốc tăng 11,2% so với cuối năm 2023. Mặc dù tỉ trọng dư nợ đối với lĩnh vực này thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản, song tín dụng lĩnh vực này tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của lĩnh vực này và là yếu tố tích cực tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm, ông Ánh nói: "Các dự án nhà ở mấy năm nay vẫn nói nhiều về câu chuyện pháp lý. Quá trình tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án nhà ở phụ thuộc vào các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… sắp có hiệu lực kể từ ngày 1-8 tới đây.

Do đó, tôi cho rằng sau khi các luật này có hiệu lực, hàng loạt các vấn đề sẽ được tháo gỡ, các vướng mắc liên quan dự án nhà ở sẽ được dần giải quyết từ quý 3, 4 năm nay. Khi đó, sẽ tạo một hiệu ứng chung cho thị trường bất động sản, hy vọng người dân sẽ bắt đầu mua nhà, đổi nhà và mục đích của các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt hơn".

Đồng quan điểm, ông Lệnh nhấn mạnh: “Với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, hoạt động của các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường … sẽ là cơ sở, yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm