Những giờ học theo từng môn riêng lẻ ở Phần Lan như trước đây sẽ không còn tồn tại. Thay vào đó, học sinh sẽ mặc sức thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn.
Như vậy, Phần Lan đã làm một cuộc “cách mạng” trong dạy và học. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Hơn nữa, giáo dục tại Việt Nam chỉ quan tâm đến chương trình chứ không cần quan tâm đến dạy học.
Theo Thạc sỹ Lê Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), giáo dục Phần Lan thực sự là một hiện tượng khác biệt, đổi mới. Chẳng hạn, quan điểm người thầy không chỉ là nhà giáo dục mà là người làm khoa học về giáo dục. Tất cả giáo viên phải có bằng thạc sĩ và đều được học chương trình giáo dục chất lượng cao.
Trong quá trình học, không hề có bất kỳ bài kiểm tra cấp quốc gia nào với học sinh. Học sinh không có bất kỳ áp lực thi cử. Giáo viên trong con mắt dân chúng là một nghề được tôn sùng bởi họ không chỉ là giáo viên, họ là những nhà nghiên cứu khoa học và phòng học là phòng nghiên cứu của họ.
Cũng theo Thạc sỹ Lê Lan Anh, một quốc gia có nền giáo dục đứng đầu thế giới như thế thì việc họ “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... và thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn cũng không có gì lạ.
"Gọi là “xóa sổ” Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... chứ trong thực tế, các môn hoc này vẫn được dạy theo một hướng khác. Họ sẽ dạy học sinh trong các tình huống cụ thể, trong môi trường cụ thể. Chẳng hạn, học tính toán, kỹ năng làm việc nhóm qua cách quản trị quán cà phê; học lịch sử thông qua các thảo luận nhóm theo các chủ đề nhất định…
Về kiến thức lịch sử cụ thể, học trò có thể tra cứu ở khắp nơi, nhưng kỹ năng tư duy và kỹ năng học để khi ra đời làm được việc thì không phải nền giáo dục nào cũng làm tốt sứ mệnh của mình", Thạc Sỹ Lan Anh nói.
Theo Chính phủ Phần Lan, lý do để họ áp dụng sáng kiến này xuất phát từ mong muốn cho học sinh làm quen với những thách thức thực tế từ môi trường làm việc trong “xã hội hiện đại”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sỹ Lê Lan Anh cho rằng, đó là quan điểm giáo dục rất thực tế và nhân văn. Giáo dục Phần Lan không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức cho học sinh mà chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế - học để tự sinh tồn, thích nghi và ứng dụng kỹ năng, kiến thức trong xã hội hiện đại. Nền giáo dục rút ngắn nhất quá trình trưởng thành của con người; tạo ra giá trị kinh tế thực thụ.
Tại Việt Nam, hàng triệu công dân Việt Nam đã dành 12 đến 16 năm cuộc đời mình chỉ để học. Khi họ tốt nghiệp THPT hoặc nhận tấm bằng đại học, quá nửa trong số đó chật vật với cuộc sống mưu sinh. Người lao động thiếu trầm trọng hoặc gần như không có các kỹ năng làm việc tối thiểu.
Ra trường, họ lơ ngơ như bò đội nón… không thể tự sinh tồn trong môi trường đầy những thách thức, biến động trong xã hội. Khi nhà trường chỉ dừng lại ở việc dạy học thuộc lòng, chạy theo điểm số và bệnh thành tích thì chúng ta đang đi lùi dần đều với thời cuộc.
Trong môi trường thế giới phẳng, tri thức nhân loại được cập nhật hàng giờ, chúng ta chỉ cần 1 giây tìm kiếm trên internet là ra rất nhiều góc phân tích đa chiều. Nếu con người không làm chủ được công nghệ trong thế giới phẳng để làm dày kho tàng kiến thức của mình thì đó là lỗi của những nhà giáo dục, không trang bị cho con trẻ kỹ năng căn bản.
Có chuyên gia cho rằng, trên thế giới, các nước dạy học sinh để làm chứ không phải học để vẽ ra những điều không có thực. Hơn nữa, Việt Nam chỉ dạy học sinh “học vẹt”. Với thực tế này liệu Việt Nam sẽ học được những gì từ đất nước Phần Lan?
Thạc sỹ Lê Lan Anh cho rằng, một nền giáo dục nghe - chép - văn mẫu, thụ động cả trong suy nghĩ và hành động… về bản chất là đi lùi dần đều. Trong quá trình dạy và học có quá nhiều kiến thức thừa, lãng phí được nhồi nhét cho học trò, có khi cả cuộc đời chẳng bao giờ dùng tới. Trong khi đó, học sinh, sinh viên lại thiếu trầm trọng kỹ năng sống, khả năng thích nghi, sự chủ động trong tư duy.Ngược lại, Phần Lan ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh đã làm quen với những thách thức thực tế từ môi trường làm việc của “xã hội hiện đại”. Tất nhiên, nếu Việt Nam có thể học được Phần Lan thì quá tốt.
Song, để học được họ, trước tiên, cần có hành lang pháp lý, chính sách cải tổ tương xứng. Bởi khi chưa có khung chính sách thỏa đáng, dù có học gì cũng chỉ là sự chắp vá và thiếu đồng bộ.
Giáo dục tạo ra con người, con người chấn hưng đất nước. Công dân có tài thì đất nước mới hưng vượng. Vì thế, mọi người mong về một nền giáo dục tốt hơn là hoàn toàn chính đáng.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, việc xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa… của Phần Lan là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử thế giới. Nhiều nước trên thế giới coi việc học để làm chứ không phải học để vẽ ra những điều không có thực. Trong khi đó, tại Việt Nam dạy quá nhiều lý thuyết, không gắn với đời sống thực.
VÌ SAO NỀN GIÁO DỤC PHẦN LAN TỐT NHẤT THẾ GIỚI?
Trước thập niên 70 thế kỷ XX, giáo dục Phần Lan chưa có gì đáng tự hào. Ngành giáo dục thực hiện chế độ quản lý tập trung, có rất nhiều quy chế ràng buộc công việc của giáo viên.
Thời ấy HS đến 10 tuổi đều phải qua một kỳ thi, dựa theo kết quả thi để phân ban, một loại là lớp phổ thông, một loại là lớp học nghề; việc phân ban đó quyết định tương lai các em một cách võ đoán, tương lai cả cuộc đời phụ thuộc vào một kỳ thi.
Kết quả thi được cho điểm từ 4 đến 10; điểm 10 là điểm số cao nhất; điểm 4 là trượt. Thời ấy các em HS tuổi còn nhỏ mà đã biết dùng đẳng cấp để so bì lẫn nhau, qua điểm số mà cho rằng mình kém hoặc hơn người khác. Trong mỗi lớp lại còn chia ra các nhóm HS tùy theo năng lực, các em luôn so kè lẫn nhau.
Về sau giới chức giáo dục Phần Lan nhận thấy cách làm như vậy là không tốt, bởi lẽ mỗi người đều có năng lực và cách biểu hiện khác nhau. Làm như vậy chẳng khác gì bắt voi, chim cánh cụt và khỉ thi tài leo cây; dùng tài leo cây làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực của chúng là rất vô lý.
Vì thế ngành giáo dục nước này đã quyết định hủy bỏ chế độ chia đẳng cấp, không dùng điểm số để phân chia thứ bậc nữa. Các giáo viên nhanh chóng nhận thấy cách làm này là tốt. Nhờ thế đã thay đổi không khí học tập trong trường, thầy trò hợp tác với nhau, đoàn kết nhất trí.
Từ thập niên 80, mọi hình thức sát hạch và thi cử, kể cả chế độ thi thống nhất chung cho các trường đều bị hủy bỏ. Một nội dung nữa của triết lý giáo dục Phần Lan là toàn thể HS phổ thông trong cả nước phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không thể để con nhà giàu được học tốt hơn con nhà nghèo, con em người da trắng được học tốt hơn con em người da màu.
*Thành công của giáo dục Phần Lan đa phần bắt nguồn từ một vũ khí không có gì bí mật cả - đó là thầy cô giáo. Chất lượng giảng dạy là nhân tố làm cho Phần Lan thành công về giáo dục. Nếu tại nước Mỹ, giáo dục đã trở thành một mô hình công nghiệp, giáo viên chỉ là công cụ dùng để chuyên chở một sản phẩm làm sẵn.
Còn ở Phần Lan thì giáo viên là tiêu chuẩn mẫu mực của xã hội. Chính vì vậy, các chương trình đào tạo giáo viên của Phần Lan rất khắt khe và thường chỉ 1/10 ứng viên được nhận mỗi năm. Những sinh viên may mắn phải học 5-6 năm trước khi được phép đứng lớp.