Phạt nặng nếu vứt heo chết xuống sông

Thời gian vừa qua, tình trạng heo chết người dân vứt xuống các con sông, kênh khá nhiều. Việc vứt heo chết xuống các con sông, kênh như thế vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa có thể gây lây lan dịch bệnh. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Heo chết vì bệnh dịch tả châu Phi bị vứt xuống mương nước. Ảnh: NT

Nhiều người dân thiếu ý thức

Vừa qua, ở TP.HCM xuất hiện tình trạng vứt heo chết xuống sông, kênh gây ô nhiễm. Ngoài TP.HCM, ở một số tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre,… cũng xảy ra tình trạng này. Điều này khiến nhiều hộ dân sống cạnh những con sông,  kênh này cảm thấy khó chịu về mùi hôi, cũng như lo lắng về về vấn đề lây nhiễm dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hải (tỉnh Long An) tỏ ra lo lắng, “thỉnh thoảng con sông gần nhà tôi lại xuất hiện xác heo chết trôi lềnh bềnh trên sông.  Điều này làm nhiều người sống cạnh sông cảm thấy lo lắng vì một số người dân dùng nước ở con sông này để sinh hoạt. Ngoài ra, hầu như ngày nào trẻ em cũng tắm trên con sông này. Việc vứt heo chết xuống sông gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước. Có những nhà chăn nuôi rất lo lắng vì sợ những con heo này chết vì bệnh, rồi lây lan sang heo nhà họ”.

Tình hình dịch bệnh do heo xảy ra càng nhiều, chính vì thế những hộ dân chăn nuôi càng thấy lo lắng trước việc heo chết thả trôi sông, vì nhiều người sợ lây dịch bệnh sang heo của họ. “Việc thả heo chết trên sông làm tôi rất lo lắng, vì chăn nuôi heo là thu nhập chính của gia đình. Gia đình tôi thường dùng nước ở sông gần nhà để rửa chuồng, nếu như heo bị chết do dịch bệnh mà thả xuống sông thì việc lây lan dịch bệnh là có thể xảy ra. Tôi mong chính quyền địa phương nên có biện pháp ngăn ngừa tình trạng này”, chị Võ Ngọc Ẩn (tỉnh Long An) tâm tư.

Phạt nặng với việc thả heo chết xuống kênh, sông

Việc thả heo chết xuống kênh, sông là việc làm thiếu ý thức của một số người dân. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đồng thời, có thể lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Việc vứt heo bệnh xuống sông, kênh có thể bị phạt với mức phạt khá cao.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, tại điểm a, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017 đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì người vi phạm bị phạt tiền từ 5- 6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với cá nhân mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý hình sự các tội về môi trường theo quy định tại Chương 19 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm