Phát triển Cần Giờ thành đô thị sinh thái nghỉ dưỡng

(PLO)- Nhiều dự án trọng điểm như cầu Cần Giờ, khu đô thị lấn biển, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ… sẽ đồng loạt khởi động trong thời gian tới.

Hiện nay, huyện Cần Giờ (TP.HCM) được kết nối chủ yếu qua phà Bình Khánh, phà biển, bến khách ngang sông. Dù hiện tại hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều hạn chế nhưng Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng cho rằng huyện sẽ thực sự đột phá, trở thành Cần Giờ xanh và cất cánh trong tương lai.

Nhiều dự án trọng điểm chờ kết nối

Nhiều năm nay, cầu Cần Giờ vốn trở thành cây cầu được cử tri hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ mong muốn sớm kết nối. Các cuộc tiếp xúc cử tri về dự án này luôn được bà con quan tâm. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư hạ tầng giao thông - cầu Cần Giờ còn nhiều khó khăn.

Trên nền móng vùng sinh quyển Cần Giờ, TP.HCM luôn định hướng phát triển huyện với các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ vùng sinh quyển. Huyện đã chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM và các đơn vị có liên quan để tổ chức hội thảo bàn về năng lượng xanh, giao thông xanh, Cần Giờ xanh. Trên cơ sở đó, có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu. Sắp tới, huyện Cần Giờ sẽ thực hiện đề án “Cần Giờ giao thông xanh” nhằm có lộ trình cụ thể, báo cáo UBND TP.HCM để thực hiện.

Trao đổi với PV, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: TP sẽ vận dụng Nghị quyết 98 để kêu gọi đầu tư, sớm triển khai dự án này trong thời gian tới.

Bên cạnh phà Cần Giờ, hiện huyện cũng đang kết nối với các địa phương lân cận thông qua tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Hiện nay, phà đang chạy công suất tối đa để phục vụ người dân TP. Ngoài ra, huyện Cần Giờ cũng đang kết nối với tỉnh Long An thông qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Hiện nay, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được các đơn vị tích cực tháo gỡ để sớm khơi thông, tăng cường kết nối với huyện Cần Giờ trong tương lai.

Thêm vào đó, hai dự án lớn mang tầm vóc quốc gia là khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Hiện UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ tờ trình đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1579/2021.

Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào hệ thống cảng biển TP.HCM, định hướng đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2030. TP.HCM phấn đấu tổ chức đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đưa vào khai thác giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 bến chính). Dự kiến chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến 2024, xây dựng cảng từ năm 2024 đến 2026, năm 2027 sẽ chính thức đưa vào khai thác.

Như vậy, với các đề án sắp được triển khai trong thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ thực sự trở thành địa phương có nhiều dự án lớn, mang tầm quốc gia.

p9-bai-cangio.jpeg
Phát triển kinh tế huyện Cần Giờ luôn song song cùng bảo vệ vùng sinh quyển quý báu này cho TP. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cần Giờ sẽ xanh và cất cánh

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết: “Thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy, thực hiện 44 chương trình, đề án để phát triển huyện Cần Giờ trở thành TP trực thuộc TP.HCM - trở thành TP sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và đang phối hợp với các đơn vị để thực hiện thí điểm Nghị quyết 98 của Quốc hội, chuyển hóa xanh về giao thông trên địa bàn huyện”.

Cụ thể, dự án cầu Cần Giờ với tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng. Hiện huyện đang phối hợp với Sở GTVT TP.HCM để xin chủ trương đầu tư theo hình thức BT trả chậm.

“Ngay sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội được triển khai, UBND huyện Cần Giờ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện điều tra hiện trạng, lấy ý kiến của người dân. Đến nay, người dân rất đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án cho huyện. Chúng tôi có niềm tin sớm khởi công và đưa dự án vào phục vụ người dân trong thời gian tới” - ông Hồng nói.

Những dự án lớn như cầu Cần Giờ sẽ giúp cho huyện Cần Giờ có hệ thống giao thông cơ bản hoàn chỉnh và có thể kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó là dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công vào năm 2025. Dự án mang tầm quốc tế và khu vực, góp phần thay đổi diện mạo TP.

Tiếp theo là dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ đã và đang điều chỉnh quy hoạch 1/5000. Trên cơ sở TP thông qua, dự án này cũng sẽ triển khai vào đầu năm 2025.

“Ba dự án trên có vai trò vô cùng quan trọng với quốc gia và khu vực, là cơ hội đột phá để huyện Cần Giờ thực sự cất cánh trong tương lai” - ông Hồng kỳ vọng.•

Tương lai hướng đến tuyến metro số 4

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, huyện Cần Giờ với định hướng trở thành đô thị xanh, hướng biển nên TP chú trọng phát triển nhiều dự án trọng điểm ở khu vực này.

Để huyện Cần Giờ trở thành một đô thị đặc biệt, TP sẽ triển khai các dự án quan trọng như cầu Cần Giờ, các nút giao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3, đầu tư các cây cầu trên đường Rừng Sác và tương lai xa hơn là kết nối tuyến metro số 4 về huyện Cần Giờ.

Hiện Sở GTVT TP và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang phối hợp để mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) các dự án như cầu Cần Giờ, các nút giao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường 15B - điểm đầu của huyện Cần Giờ. Như vậy, hệ thống giao thông này sẽ phục vụ cho cả phía Nam và huyện Cần Giờ trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm