Phát triển miền Trung: Chiến lược của chiến lược

Tại diễn đàn, TS Trần Du Lịch (Trưởng nhóm tư vấn Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung) kiến nghị trung ương cần xem vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển của đất nước. “Trong đó tập trung vào ba nhóm ngành kinh tế chính là ngư nghiệp, du lịch biển, đảo và khu kinh tế ven biển. Cần đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Nếu chúng ta xem kinh tế biển là chiến lược phát triển quốc gia thì miền Trung phải là chiến lược của chiến lược” - TS Lịch nói.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng chừng nào miền Trung với vị trí là “xương sống quốc gia” chưa “cất cánh” thì cả nước cũng không thể bay lên, dù miền Bắc và miền Nam là hai đầu tàu mạnh. Vì vậy, để cho kinh tế cả nước “cất cánh” thì cần phải dành cho công cuộc phát triển miền Trung một sự quan tâm đúng tầm. Theo PGS-TS Thiên, “mặt tiền” miền Trung có những “cảng biển, bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp. Đây là một “mỏ vàng vô tận” riêng có của duyên hải miền Trung”.

Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, từ nhiều năm qua chúng ta mới chỉ quan tâm tới đánh bắt gần bờ mà chưa quan tâm tới xa bờ vừa để phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền. “Vì vậy, hiện nay miền Trung nhất thiết phải thành lập ngay hai trung tâm hậu cần nghề biển. Đó là điểm tựa để ngư dân vươn khơi bám biển vừa là điểm tựa để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - TS Thiên nói.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm