Từ khi thiền sư Thích Nhất Hạnh về chùa, đông đảo Phật tử và người dân khắp nơi đã đến đây để mong được gặp thiền sư.
Để thầy có không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, nhà chùa treo thông báo những người không phận sự không được vào nội viện.
Vì vậy, người mộ đạo đứng từ xa hướng về, hy vọng nhìn thấy thiền sư lúc ông đi thiền trong khuôn viên chùa.
Hầu như sáng nào cũng rất đông Phật tử, người dân đến chùa. Một người dân đến từ Đà Nẵng cho biết đã đọc rất nhiều bài viết của ông và mong được gặp thiền sư một lần.
Trong khuôn viên chùa, nhiều người hỏi thăm nhau về tình hình sức khỏe của thiền sư. Một sư thầy ở chùa cho biết việc có ra gặp mọi người được hay không là tùy vào sức khỏe của thiền sư.
Từ ngày thầy Thích Nhất Hạnh trở về, ngôi chùa luôn có rất đông Phật tử và người dân đủ lứa tuổi đến thăm. Trong đó có rất đông du khách ngoại quốc.
Nhiều người kiên nhẫn ngồi đợi đến chiều mới chịu ra về.
Một Phật tử nói rằng gặp được thiền sư là duyên, nếu duyên chưa đến thì đành chịu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Ông là tổ đời thứ tám của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới. Nơi cư ngụ của ông là tu viện Làng Mai ở vùng Dordogne miền Nam nước Pháp. Ông du hành khắp thế giới, thuyết giảng và tổ chức các khóa tu thiền. Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Theo đánh giá từ các hãng thông tấn nước ngoài, ông được xem là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo của GS-TS John Powers, một học giả Phật học của Úc, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua, thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.
|