Theo kênh Al Jazeera, hôm 21-8, Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận thông báo lệnh ngừng bắn trên toàn Libya, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa TP chiến lược Sirte. Điều này dấy lên hy vọng về một nền hòa bình được lập lại ở Libya sau hơn chín năm xung đột.
GNA cũng kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 3-2021, chấm dứt lệnh phong tỏa dầu mỏ do các bên đối lập áp đặt từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo cho rằng lệnh ngừng bắn do chính phủ Tripoli thông báo là chiêu trò “tiếp thị”.
LNA: GNA đang tăng cường quân sự để tấn công Sirte
Hôm 23-8, ông Ahmed Mismari, người phát ngôn của LNA nói rằng lực lượng đối lập từ phía tây Libya đang tăng cường lực lượng xung quanh mặt trận ở miền trung đất nước.
Thành viên LNA ở TP Sirte. Ảnh: Esam Omran al-Fetori/REUTERS
Trong một cuộc họp báo với truyền thông, ông Mismari cho hay LNA sẵn sàng đáp trả bất kỳ nỗ lực tấn công nào nhằm vào các vị trí của mình xung quanh TP duyên hải Sirte và Jufra.
“Sáng kiến mà ông Al-Sarraj ký chỉ là để tiếp thị truyền thông. GNA đang tăng cường quân sự và vận chuyển vũ khí để tấn công lực lượng chúng tôi ở Sirte” – ông Mismari nói.
“Nếu ông Al-Sarraj muốn lệnh ngừng bắn, ông ấy sẽ rút lực lượng của ông ấy chứ không tiến về phía các đơn vị của chúng tôi tại Sirte” – ông Mismari nói thêm.
Đây là những bình luận đầu tiên của LNA sau khi GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo thông báo lệnh ngừng bắn và kêu gọi khôi phục sản xuất dầu mỏ hôm 21-8.
Phóng viên Malik Traina của kênh Al Jazeera đưa tin từ TP Misrata (Libya) cho hay: “Trước đó trong bất kỳ cuộc đàm phán hay hòa đàm nào ở Libya, ông Haftar là một thành viên rất quan trọng và tham gia sâu vào những kiểu đàm phán như vậy nhưng giờ đây ông ấy đang cảm thấy mình bị đứng bên lề”.
PV Traina lưu ý đây không phải lần đầu ông Haftar phản đối một thỏa thuận ngừng bắn. Hồi tháng 1, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng cố gắng ủng hộ một lệnh ngừng bắn do GNA ký ở Moscow (Nga), chứ không phải do ông Haftar ký.
“Nếu những lực lượng nước ngoài ủng hộ ông Haftar dừng ủng hộ ông ấy, liệu điều này có đồng nghĩa với việc GNA sẽ có thể đạt được tiến bộ? Liệu ông Aguila Saleh – chủ tịch Quốc hội ở miền đông Libya và Thủ tướng Al-Sarraj sẽ có thể đi đến một thỏa thuận hòa bình và lập lại hòa bình lâu dài ở Libya hay không? Điều đó còn phải chờ xem sao” – PV Traina nói.
GNA phản đối mọi cuộc đối thoại với ông Haftar
Trong khi đó hôm 22-8, Hội đồng nhà nước cấp cao Libya – cơ quan cố vấn cho GNA kịch liệt phản đối mọi cuộc đối thoại với ông Haftar.
Trong một tuyên bố, Hội đồng nhà nước cấp cao Libya nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc nghiêm túc để chấm dứt “tình trạng nổi dậy” tại nước này thông qua lệnh ngừng bắn ngay lập tức và sự cần thiết cho phép chính phủ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Libya.
Lực lượng GNA canh gác khu vực Abu Qurain, giữa TP Tripoli và Benghazi (Libya). Ảnh: Mahmud Turkia/AFP]
“Bất kỳ cuộc đối thoại hay thỏa thuận nào nên tuân thủ theo thỏa thuận chính trị Libya, trong đó quy định cơ chế đối thoại chỉ diễn ra giữa các cơ quan dân cử”- tuyên bố nêu rõ.
Với việc lực lượng ông Haftar phong tỏa các cơ sở dầu mỏ ở Libya trong những tháng gần đây, Hội đồng nhà nước cấp cao Libya kêu gọi khôi phục hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu – nguồn thu nhập chính của Libya. Hội đồng này còn cho biết sẽ bắt những ai chịu trách nhiệm cho việc đóng cửa cơ sở chịu trách nhiệm.
Sirte: Trung tâm đối đầu trong khu vực
Bị đe dọa từ cuộc nổi dậy năm 2011 và sự tiếp quản của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Sirte giờ đây không chỉ là trung tâm của một cuộc nội chiến mà còn là tâm điểm của những thù địch chính trị kéo dài khắp khu vực.
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp giúp GNA chặn cuộc tấn công đánh chiếm thủ đô Tripoli của LNA, mặt trận dồn về xung quanh TP duyên hải Sirte, nằm giữa bờ biển Địa Trung Hải và gần các cảng dầu chính.
Một thành viên của LNA nạp đạn ở tây Sirte. Ảnh: Esam Omran al-Fetori/REUTERS
“TP đã và đang chứng kiến các cuộc chiến và khủng hoảng làm người dân sợ hãi. Luôn có sự bất an về những gì sắp xảy đến”- ông Adel Mohamed, một người dân 43 tuổi tại Sirte nói.
Những tuần gần đây, các lực lượng Libya cùng những bên ủng hộ nước ngoài đang huy động lực lượng khi các nhà ngoại giao cố gắng ngăn chặn leo thang quân sự ở Sirte và đảm bảo một lệnh ngừng bắn.
Trong một chuyến thăm hiếm hoi các vị trí quân sự của LNA, phóng viên của hãng tin Reuters ghi nhận binh lính đóng tại các vị trí tây nam Sirte, một số trú dưới mái hiên hoặc trong lều, số khác canh gác tại các chốt điểm.
“Lực lượng vũ trang của chúng tôi đồn đóng xung quanh Sirte, thậm chí ngoài Sirte. Chúng tôi đã sẵn sàng”- ông Miftah Shaqlouf, người đứng đầu trung tâm tác chiến của LNA trong khu vực, nói.
“Chúng tôi phải cầm súng cho tới khi Libya sạch bóng lính đánh thuê và những kẻ thực dân và thoát khỏi những ai tham lam tìm kiếm đất đai và sự giàu có của chúng tôi” – ông nói tiếp.
Trong chuyến thăm Tripoli tuần trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về việc thiết lập một vùng phi quân sự xung quanh Sirte và Jufra. Ông Maas còn cảnh báo về “sự bình tĩnh dối trá” với việc hai bên cùng đồng minh của họ tiếp tục trang bị vũ khí ở quy mô lớn.
Libya bị chia rẽ bởi các nhóm vũ trang và chính trị đối lập sau chiến dịch quân sự lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.
Quốc gia giàu dầu mỏ này vẫn chia rẽ sâu sắc giữa các phe quyền lực đóng ở miền đông và miền tây.
Cuộc xung đột ở Libya trở thành “đấu trường” cho các đối thủ trong khu vực với ông Haftar được Ai Cập, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) hậu thuẫn, trong khi GNA nhận sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar.
Giao tranh ít diễn ra từ tháng 6. Trong quá khứ, hai bên cáo buộc nhau vi phạm nhanh chóng lệnh ngừng bắn và lợi dụng lệnh ngừng bắn để tái vũ trang.