Viễn cảnh đáng sợ nếu xung đột Libya không chấm dứt

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn là mối đe dọa dai dẳng ở Libya và có thể trỗi dậy trở lại trừ phi cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này đi đến hồi kết, một nghiên cứu mới cảnh báo, theo kênh Al Jazeera.

Theo nghiên cứu do Giáo sư Azeem Ibrahim của Viện Nghiên cứu chiến lược tại ĐH Chiến tranh lục quân Mỹ tiến hành, IS đang tái tập hợp lực lượng, âm thầm mở rộng khả năng cho tới khi đủ mạnh để gây sóng gió tại Libya.

Nghiên cứu nói rằng IS vẫn đủ khả năng để tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ tại Libya. Ở đây có sự chênh lệch đáng kể so với chiến lược trước đó của IS là tiến hành các cuộc tấn công “gây sốc và kinh hoàng”.

Các thành viên của nhóm khủng bố IS. Ảnh: AP

“Quân khủng bố tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhỏ và các vụ giao tranh cần thiết để xác lập vị thế nhóm này trong mạng lưới tội phạm buôn lậu kết nối từ châu Phi hạ Sahara với bờ biển Libya ở phía bắc” – nghiên cứu có đoạn.

Sau chiến dịch kéo dài nhiều tháng của lực lượng chính phủ Libya, tháng 5-2016, IS bị đẩy lùi khỏi TP duyên hải Sirte – vùng lãnh thổ lớn nhất mà IS kiểm soát bên ngoài lãnh thổ Syria và Iraq.

Theo nghiên cứu, sau khi bị đẩy lùi khỏi Sirte, hầu hết các hoạt động của IS đều tập trung về khu vực sa mạc Fezzan ở phía nam Libya. Đây là nơi đội quân cờ đen tăng cường tham gia buôn lậu hàng hóa và buôn người, đặc biệt dọc các tuyến đường di cư tị nạn thông qua Libya.

“Đa số thành viên IS ở Libya là các tay súng nước ngoài không phải người Libya, điều này càng làm giảm khả năng hòa vào bối cảnh chính trị địa phương của quân khủng bố” – nghiên cứu nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Ibrahim cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu cuộc nội chiến ở Libya kéo dài. Ông Ibrahim kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo sự ổn định của Libya.

 “Sự bất ổn càng kéo dài thì việc có một chính phủ trung ương sẽ càng lâu. Chính phủ này không cần chống bất kỳ ai và có thể theo dõi sát những gì IS và các nhóm cực đoan khác đang làm ở Libya. Sự bất ổn càng kéo dài thì nguy cơ IS hoặc các nhóm tương tự sẽ tiến hành đợt hồi sinh quy mô lớn càng cao” – ông Ibrahim cảnh báo.

Đức, Pháp, Ý lên danh sách công ty, cá nhân vi phạm lệnh cấm vũ khí của LHQ

Đức, Pháp và Ý có kế hoạch thúc đẩy nỗ lực sử dụng lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn việc vũ khí tiếp tục được chuyển tới Libya, theo kênh Al Jazeera.

Libya chìm trong khủng hoảng từ năm 2011. Ảnh: Ayman Al-Sahili/REUTERS

Ba nước trên đã thống nhất một danh sách gồm các công ty và cá nhân cung cấp tàu, máy bay cùng các dịch vụ hậu cần khác để vận chuyển vũ khí sang Libya, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc (LHQ) áp vào Libya năm 2011, hãng tin DPA (Đức) dẫn các nguồn tin EU cho biết.

Nguồn tin cho biết ba công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Kazakhstan cũng như hai cá nhân Libya nằm trong danh sách trên.

Hồi giữa tháng 6, Đức, Pháp và Ý cảnh báo họ sẽ áp trừng phạt vào những ai vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.

“Chúng tôi sẵn sàng xem xét khả năng sử dụng lệnh trừng phạt nếu lệnh cấm vận của LHQ tiếp tục bị vi phạm thông qua đường bộ, trên biển hay trên không” – lãnh đạo của ba nước Đức, Pháp, Ý cảnh báo trong một tuyên bố chung. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu đích danh quốc gia hay công ty nào có thể bị trừng phạt.

Pháp nhiều lần cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí.

EU gần đây thiết lập một phái đoàn hải quân chuyên dụng mang tên Chiến dịch IRINI nhằm thực thi các lệnh trừng phạt.

Giải pháp cho xung đột ở Libya sẽ rất quan trọng đối với Đức, Pháp và Ý vì các băng nhóm buôn lậu đưa người tị nạn và người di cư vượt Biển Địa Trung Hải đi vào châu Âu và hưởng lợi từ tình hình hỗn loạn này.

Libya chìm vào khủng hoảng sau cuộc nổi dậy do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn năm 2011. Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự này.

Từ đó, Libya chia thành hai phe quyền lực chính là Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy. GNA đóng ở thủ đô Tripoli và kiểm soát phía tây, trong khi LNA đóng ở TP Benghazi và kiểm soát phía đông.

Mỗi bên được các tay súng và chính phủ nước ngoài hậu thuẫn. Trong khi GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thì LNA được Ai Cập, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ủng hộ.

Tháng 4-2019, ông Haftar mở chiến dịch đánh chiếm thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, chiến dịch kéo dài 14 tháng sụp đổ hồi tháng 6 năm nay khi GNA chiếm thế thượng phong và đánh bật LNA khỏi ngoại ô Tripoli và các thị trấn phía tây.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm