Philippine Star ngày 12-1, dẫn lời một quan chức quốc phòng Philippines đề nghị không nêu tên tố cáo thành phần điều khiển, vận hành số tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Philippines đang tranh chấp) không phải là ngư dân Trung Quốc, mà chính là lực lượng dân quân nước này.
Theo quan chức này, “quân đội Trung Quốc đã điều người và chi tiền cho lực lượng dân quân hàng hải nước này cải trang thành ngư dân hoạt động trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực”. Quan chức này cũng nói thêm rằng Philippines chưa xác định được lý do tàu cá Trung Quốc tăng đột biến ở Trường Sa, tuy nhiên ông cho rằng mục tiêu hành động này của Trung Quốc là nhằm tăng cường hiện diện và thể hiện sức mạnh của mình ở khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu cá – phần lớn từ Trung Quốc hiện diện ở Đá Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày 19-6-2018. Ảnh: OSIS
Thông tin này cũng được nghị sĩ Philippines Gary Alejano- từng là một sĩ quan thủy quân lục chiến- khẳng định trên Philippine Star ngày trước đó.
“Họ lập ra một lực lượng dân quân hàng hải, một phần chiến lược củng cố sự kiểm soát của Trung Quốc ở khu vực. Các tàu cá của họ được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ với các công nghệ tiên tiến” – nghị sĩ Alejano nói.
Nghị sĩ Alejano quy hậu quả này là do chính sách mềm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Trung Quốc, không phản kháng mạnh trước sự quấy nhiễu của Trung Quốc với ngư dân và binh sĩ Philippines trong khu vực.
“Điều này đã khiến Trung Quốc mạnh dạn hơn với các hành động bất hợp pháp ở khu vực, trong đó có câu trộm và cướp bóc tài nguyên biển” – theo nghị sĩ Alejano.
Theo nghị sĩ Alejano, lượng tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa đang ngày càng tăng. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ) cũng cho biết số tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Trường Sa năm 2018 vào hơn nhiều so với năm 2017. CSIS mới đây có công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy có nhiều tàu cá các nước xuất hiện ở quần đảo Trường Sa, trong đó phần nhiều là tàu cá Trung Quốc.
Các phân tích từ hình ảnh vệ tinh ở biển Đông cho thấy các tàu cá Trung Quốc di chuyển gần các tiền đồn quân sự của nước này thường không thực hiện hoạt động đánh bắt.
Tàu cá Trung Quốc hiện diện ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: WWW.NEWS. CN
Theo ông Gregory Poling – Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, từ dấu hiệu này có thể thấy đội tàu cá Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa phục vụ cho mục tiêu của dân quân hàng hải nước này, ít nhất là bán thời gian.
“Các đoàn tàu này duy trì hiện diện ở khu vực trong nhiều tuần và chỉ một số ít tàu có dấu hiệu đánh bắt trong thời điểm hình ảnh được chụp. Nhìn chung, so với các tàu cá thực tế các nơi khác, thời gian đánh bắt của đội tàu Trung Quốc ở Trường Sa ít hơn thời gian neo đậu” – ông Poling nói.
Theo Philippine Star, Indonesia thời gian qua cũng từng báo động về việc đội tàu cá Trung Quốc xuất hiện gần các vùng biển nước này.
Một quan chức quân sự cấp cao Philippines cũng cho biết có sự xuất hiện thường xuyên của một loạt tàu màu xám của Trung Quốc trong khu vực. Quan chức này cảnh báo chẳng những Philippines mà các nước cũng cần để ý chặt diễn biến Trung Quốc ngụy trang các tàu dân sự.
Chiến lược đưa lực lượng dân quân hàng hải tham gia các cuộc xung đột “vùng xám” ở biển Đông của Trung Quốc không phải là mới. Chủ ý của Trung Quốc là nhắm tránh để xảy ra xung đột, đối đầu quân sự, khi không phải như hải quân và binh sĩ, dân quân hàng hải vốn được cho là lực lượng dân sự.