Philippines nhiều lần đánh tiếng lo lắng sẽ bị TQ tấn công nếu tiến hành ngăn cản, phản đối cách hành xử ngày càng hung hăng của TQ. Tuy nhiên, việc ông Duterte đặt ra vấn đề “chiến tranh” vô tình đã “mắc bẫy” của TQ.
Thứ nhất, TQ triển khai quân đội và dân quân biển hiện nay chủ yếu phục vụ mục tiêu đe dọa tâm lý các nước để họ bỏ cuộc. Philippines không thiếu bài học từ ý đồ nguy hiểm này của TQ qua vụ Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012, Sandy Cay năm 2018, vây đảo Thị Tứ năm 2019 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép). TQ muốn giữ “vùng xám”, tức không đánh mà thắng, chứ không phải muốn chiến tranh.
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhận định: “Việc Tổng thống Duterte của Philippines thường phát biểu cho rằng phải nhượng bộ TQ trong tranh chấp chủ quyền biển Đông vì sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là một ví dụ rất rõ về thành công của tâm lý chiến. Ngoài ra, việc dùng các lực lượng dân quân biển TQ hù dọa, đâm va tàu đánh cá nhỏ các nước khác có thể khiến họ sợ mà từ bỏ ngư trường”.
Thứ hai, Philippines không đơn độc ở biển Đông. Philippines và Mỹ đã ký một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951, ràng buộc cả hai nước hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị nước khác tấn công. Hồi tháng 7-2019, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim đã nói rằng một cuộc tấn công vũ trang nước ngoài vào lực lượng an ninh Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ theo hiệp ước. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm nay cũng đưa ra lời đảm bảo rằng Mỹ sẽ đáp trả đối với bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công cộng của Philippines ở biển Đông.
Hiện Mỹ tiếp cận Ấn Độ - Thái Bình Dương không còn theo kiểu “trục bánh xe và nan hoa” (Mỹ là “trục”, còn các đồng minh là “nan hoa”). Thay vào đó, Mỹ tăng cường thúc đẩy sự hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ với nhau và giữa các đồng minh với đối tác của Mỹ tại khu vực. Nếu Philippines tận dụng được cơ hội này để kết nối với mạng lưới các nước như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… thì trong dài hạn hoàn toàn có thể “ghè chân” TQ trong việc bắt nạt, đe dọa Manila ở biển Đông.
Quan trọng không kém, Philippines là thành viên quan trọng của ASEAN. Dù vẫn còn “tắc nghẽn” trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhưng ASEAN hiện có sức ảnh hưởng nhất định với TQ. Bắc Kinh tìm cách chia tách ASEAN cũng cho thấy khối này hoàn toàn có thể đối trọng TQ ở biển Đông nếu có đủ sự gắn kết. Trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN - TQ đến năm 2021, Philippines cần thúc đẩy khối này đàm phán hiệu quả với TQ dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế.