Trước đó, một tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho biết tổng thống đã ra lệnh cho quân đội nước này củng cố các thực thể mà nước này chiếm đóng (trái phép) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Reuters, Philippines chiếm 9 thực thể ở Trường Sa, gồm bãi Cỏ Mây. Nước này cho quân lính đồn trú trên một tàu vận tải thời Thế chiến II mắc kẹt tại đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 6-4 cũng cho biết “tổng thống muốn xây dựng các cơ sở như doanh trại, hệ thống khử muối trong nước và xử lý nước thải, máy phát điện, hải đăng và khu trú ẩn cho ngư dân” trên Trường Sa.
Một binh sĩ Philippines tuần tra ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng và quân đội Philippines hôm nay đã lên tiếng giải thích cho tuyên bố trên của tổng thống. Hãng tin Reuters dẫn lời một tư lệnh hải quân Philippines phụ trách vấn đề biển Đông cho hay: “Lệnh của tổng thống rất rõ ràng. Chúng tôi chỉ khẳng định chủ quyền ở những khu vực mà chúng tôi đã tuyên bố chủ quyền”.
“Philippines không được phép làm điều đó, việc chiếm các vùng lãnh thổ mới trên quần đảo Trường Sa, dựa trên thỏa thuận đã ký từ năm 2002” - một quan chức quân đội Philippines cho hay.
Văn phòng truyền thông của tổng thống cũng lên tiếng giải thích sau tuyên bố trên: “Nơi mà tổng thống thực sự muốn nói là những khu vực đã được Philippines tuyên bố chủ quyền” - phát ngôn viên Restituto Padilla nói với các phóng viên hôm qua.
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông, khu vực có lợi nhuận hàng hải đến khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm. Các nước khác trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền ở đây.
Riêng quần đảo Trường Sa, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực này. Theo đó, mọi hoạt động xây dựng, cải tạo tại các cấu trúc thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mà là không được sự cho phép của Việt Nam đều phi pháp.