Từ mờ sáng 30-3, ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đích thân đến hiện trường rừng phòng hộ Sông Kôn, giáp ranh giữa 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu (huyện Đông Giang, Quảng Nam).
Một gốc cây khổng lồ trong rừng phòng hộ bị lâm tặc chặt hạ. Ảnh: HẢI HIẾU.
Đây là khu vực rừng bị tàn phá không thương tiếc, thuộc địa bàn phụ trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.
Tại đây, 33 cây rừng, ước tính 45 m3 (từ nhóm III đến nhóm VII) bị lâm tặc chặt hạ. Những cây nhỏ xung quanh bị đè bẹp, gãy ngọn. Nhiều gốc cây lớn còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách, đường kính 1,2-1,5 m, dài 8-10 m. Xung quanh còn ngổn ngang những phách gỗ, bìa gỗ và mùn cưa còn sót lại sau khi lâm tặc càn quét.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xót xa nhìn cây rừng bị chặt hạ vô tội vạ. Ảnh: HẢI HIẾU
Theo Công an huyện Đông Giang, ngày 8-3, lực lượng này đã bắt quả tang Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (cùng xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn.
Qua điều tra, mở rộng, ngoài Trứng và Cưng còn có ba người khác tham gia vụ phá rừng này gồm: Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng và A Ting Bnóc (cùng ngụ xã A Ting, huyện Đông Giang). Công an huyện Đông Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng.
Những phách gỗ rất lớn còn sót lại tại rừng già sau khi lưỡi cưa của lâm tặc càn quét qua. Ảnh: HẢI HIẾU
Có mặt tại nơi rừng bị tàn phá, ông Lê Trí Thanh cho rằng diện tích rừng phòng hộ ở Quảng Nam rất lớn nhưng tại đây, lực lượng quá mỏng, biên chế của nhiều đơn vị một người phải quản lý 10.000 ha rừng. Nhưng không phải như thế mà lơ là công tác quản lý để rừng bị chặt phá không thương tiếc như vậy.
Theo ông Thanh, sắp tới tỉnh sẽ có phương án mới về công tác giao khoán việc giữ rừng cho người có uy tín để được quản lý tốt hơn.
Ông Lê Trí Thanh cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các đối tượng đã phá rừng. Ảnh: HẢI HIẾU
"Qua vụ án này cho thấy việc quản lý của lực lượng chức năng còn chưa thật chặt chẽ, cần phải khắc phục cũng như tăng cường lực lượng. Vụ án phá rừng này cần phải điều tra nhanh, để sớm đưa các đối tượng phạm pháp ra tòa, tạo tính răn đe" - ông Thanh chỉ đạo.
Theo ông Thanh, Luật lâm nghiệp mà Quốc hội vừa mới thông qua với các chế tài sắp tới để việc bảo vệ rừng được tốt hơn.
"Chứ mỗi lần nhìn cây rừng ngã xuống như thế này, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”, ông Thanh xót xa.