Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13-8.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu và điều hành sản xuất, xuất-nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm ổn định thị trường, tránh tồn kho lớn tại các nhà máy liên doanh trong nước.
Đồng thời tính toán mức trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm, hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tác động đến tâm lý xã hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh khái yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính tính toán mức trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp. Ảnh: PLO
Bộ Công Thương tiếp tục đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo Quyết định số 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là tại các vùng dịch, tránh để tăng giá cục bộ.
Bộ Công Thương chủ động đàm phán, thúc đẩy thương mại với các nước mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, các phương án khơi thông lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ này phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật thông tin, diễn biến thị trường và nắm sát nguồn cung các sản phẩm lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ phải kịp thời và chủ động phối hợp với các Bộ ngành để xây dựng các kịch bản tiêu thụ. Từ đó đề xuất hỗ trợ các cơ chế đặc biệt trong lưu thông, kết nối thông tin giữa các đơn vị cung ứng và các đơn vị thu mua, phân phối, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách xã hội giữa nhiều tỉnh, thành phố.
Bộ NN&PTNT cũng phải theo dõi sát diễn biến thị trường, trường hợp có phát sinh ảnh hưởng, tác động lớn phải kịp thời có phương án, giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, đảm bảo đáp ứng nhu cầu mặt hàng thịt heo.
Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, có giải pháp phù hợp nhằm ổn định giá phân bón phục vụ sản xuất.