Sáng nay, 2-2, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 31-1-2020.
Theo đó, Phó Thủ tướng nhất trí với báo cáo tổng hợp và các ý kiến phát biểu cần triển khai ngay và quyết liệt các biện pháp trong kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong quý I-2020 nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4%.
Sớm bình ổn giá thịt heo
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 31-1-2020. Ảnh: THÀNH CHUNG
Cụ thể, đối với mặt hàng thịt heo, Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt heo xuống mức hợp lý, dần xuống mức bình thường khi chưa có dịch dựa trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường.
Giao Bộ NN&PTNT chủ trì báo cáo đầy đủ kết quả công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, tình hình đảm bảo nguồn cung cho quý I, sáu tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt heo... Đặc biệt, tiếp tục thực hiện chủ trương nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt heo thành phẩm trong quý I-2020 để ổn định nguồn cung sau tết.
Bộ Công Thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn về việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại. Nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thì xử lý nghiêm. Kết quả kiểm tra báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng trong quý I-2020.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp trong quý I-2020 thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo quy định để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt heo. Sớm phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị nội dung để Ban chỉ đạo điều hành giá họp với các doanh nghiệp, hộ sản xuất chăn nuôi lớn, thương nhân nhập khẩu thịt heo... để đưa ra giải pháp bình ổn giá thịt heo.
Đối với mặt hàng rau củ (nhất là rau ăn lá), do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là đợt mưa đá, mưa lớn ngày 30 và mùng 1 tết Nguyên đán gây thiệt hại nên giá mặt hàng này đang có xu hướng tăng cao. Giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo dõi diễn biến giá, sớm khôi phục sản xuất và có giải pháp điều hòa cung cầu, bình ổn thị trường.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chủ trì theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để điều hành giá hợp lý theo tín hiệu thị trường, kết hợp sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức độ phù hợp để bình ổn giá thị trường.
Xử phạt nghiêm việc tăng giá khẩu trang bất thường
Một cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế tại Hà Nội bị lực lượng quản lý thị trường xử phạt vì bán khẩu trang với giá cao bất thường. Ảnh: Tổng cục QLTT
Đối với các vật tư tiêu dùng phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch nCoV) như khẩu trang, nước sát khuẩn tay... Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm báo cáo về nguồn cung, năng lực sản xuất, nhu cầu sử dụng và các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu người dân.
Lực lượng QLTT các cấp và cơ quan chức năng khác từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm thực hiện ngay việc kiểm tra trên toàn quốc, xử phạt nghiêm trường hợp không niêm yết giá, không bán đúng giá niêm yết...
Bộ Y tế cùng các bộ, ngành theo chức năng thực hiện hiệu quả công tác truyền thông liên quan đến dịch nCoV để người dân hiểu đúng.
Đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, giao Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình vào thời điểm phù hợp trong năm. Bộ GD&ĐT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác liên quan để sớm đưa chương trình sách giáo khoa mới phục vụ cho năm học 2020-2021.
Các địa phương chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để dự báo, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp, thận trọng điều hành giá các dịch vụ y tế, giáo dục...
Trước đó, vào chiều 31-1, Ban chỉ đạo điều hành giá tổ chức cuộc họp đột xuất nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy tình hình giá cả ngay từ đầu năm đã có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2020 tăng khá cao ở mức 1,23% so với tháng 12-2019; tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân là do tết dương lịch và âm lịch năm nay diễn ra gần nhau trong cùng tháng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng cao; đặc biệt là do tác động từ nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và thịt heo. Giá thịt heo vẫn ở mức rất cao so với năm 2019, tác động nhiều vào CPI tháng 1-2020. Cạnh đó là diễn biến dịch nCoV nên giá khẩu trang, nước sát khuẩn tay trên thị trường diễn biến phức tạp.
CPI tháng 1-2020 tăng cao và tác động diễn biến của dịch nCoV gây áp lực lớn lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.