Hãng tin AP ngày 6-2 đưa tin phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 5-2 đã bắt đầu chuyến công tác sáu ngày tới Alaska, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là chuyến thăm châu Á thứ hai của ông trên cương vị phó tổng thống Mỹ. Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Pence sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tới tham dự Thế vận hội mùa đông ở PyeongChang, Hàn Quốc sắp tới.
Theo quan điểm của Nhà Trắng, ông Pence tới châu Á nhằm mục đích đảm bảo Triều Tiên không “lật kèo” khi nước này đồng ý về chung một đội với Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông. Ông Pence dự kiến tổ chức các sự kiện đặc trưng nêu bật các hành vi vi phạm nhân quyền và tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, các quan chức Nhà Trắng giấu tên tiết lộ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AP
“Chúng tôi sẽ tiết lộ sự thật về Triều Tiên tại mỗi nơi chúng tôi dừng chân. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng bất kỳ sự hợp tác nào đang tồn tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ngày hôm nay về sự kiện thể thao Thế vận hội không làm che mờ thực tế về một đất nước tiếp tục đáng bị cộng đồng thế giới cô lập” - phó Tổng thống Mỹ nói với báo giới sau khi tham quan các cơ sở phòng thủ tên lửa ở Alaska hôm 5-2.
“Phòng thủ tên lửa là cần thiết cho quốc phòng của chúng tôi” - ông Pence khẳng định trước một buổi họp báo với Bộ tư lệnh quân sự của vùng Bắc Mỹ tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở Anchorage, Alaska. Vị phó Tổng thống Mỹ cho hay việc triển khai bổ sung 20 hệ thống đánh chặn trên bộ sắp tới sẽ đáp trả bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của kẻ thù.
Đến Nhật Bản, ông Pence sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe và các quân nhân Mỹ. Ở Hàn Quốc, ông sẽ viếng thăm đài tưởng niệm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng trong một vụ tấn công ngư lôi do Triều Tiên tiến hành hồi năm 2010, đồng thời gặp Tổng thống Moon Jae-in.
Với cương vị dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc vào 9-2 tới, ông Pence sẽ đi cùng với ông Fred Warmbier - cha của Otto Warmbier - chàng sinh viên Mỹ qua đời ngay sau khi được Triều Tiên phóng thích sau 17 tháng giam cầm.
“Ông ấy và vợ ông ấy nhắc nhớ thế giới về những hành động tàn bạo xảy ra ở Triều Tiên” - ông Pence viết trên trang cá nhân Twitter hôm 5-2 trước khi khởi hành từ Washington.
Ông Pence không loại trừ khả năng sẽ gặp mặt phái đoàn Triều Tiên trong chuyến công du lần này. “Tổng thống Trump nói rằng ông luôn tin vào đối thoại nhưng tôi chưa hề đề nghị bất kỳ cuộc họp nào như thế. Dù gì tôi cũng sẽ theo dõi những gì xảy ra” - ông Pence nhấn mạnh.
Triều Tiên sẽ cử quan chức cấp cao nhất nước này - ông Kim Yong Nam dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên sang tham dự thế vận hội.
Ông Pence nói rằng nếu ông có gặp bất kỳ quan chức nào của Triều Tiên, thông điệp của ông cũng sẽ giống như những gì ông đã tuyên bố. “Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tham vọng tên lửa đạn đạo” - ông Pence tuyên bố.
Ông Pence họp báo với Bộ tư lệnh quân sự của vùng Bắc Mỹ tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở Anchorage, Alaska trước khi rời Washington hôm 5-2. Ảnh: AP
Ông Pence công du châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với một nhóm người đào tẩu Triều Tiên tại phòng Bầu Dục (Nhà Trắng) hôm 2-2. Trong số đó có ông Ji Seong-ho, một trong những khách mời đặc biệt dự Thông điệp Liên bang ngày 30-1 của Tổng thống Trump.
Nhà Trắng xem cuộc gặp gỡ này như một phần trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Kế hoạch này xoay quanh việc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục đưa ra những biện pháp cô lập Bình Nhưỡng trên cả phương diện ngoại giao lẫn kinh tế.
Các quan chức Nhà Trắng tiết lộ trong chuyến công du châu Á lần này, ông Pence dự kiến tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế chú ý tới sự lạm dụng nhân quyền của Triều Tiên, đồng thời đưa ra nhắc nhở về các điều kiện tàn bạo ở Triều Tiên.
Hôm 4-2, chính phủ Triều Tiên tuyên bố chương trình tên lửa hạt nhân của nước này sẽ “ngăn ông Trump và thuộc cấp của ông phô diễn sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên”.
“Ông Trump nếu không chịu thoát khỏi lối tư duy lỗi thời và độc đoán của mình thì sẽ chỉ gây nguy hiểm cho an ninh và tương lai nước Mỹ” - hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trích tuyên bố của chính phủ nước này.
Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao khác nhiều lần nói rằng thời gian đang cạn dần trước khi Triều Tiên có thể đạt được khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Quốc gia bị cô lập này tuy có thể phóng tên lửa đủ tầm nhưng vẫn chưa phát triển được một phương tiện có thể chống lại các hiểm họa xảy đến khi tên lửa quay trở lại bầu khí quyển.