Phó viện trưởng kể chuyện phá án tội phạm nhập cảnh trái phép

Trong hai năm qua, nhiều vụ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam (VN) đã bị lực lượng chức năng tại Đà Nẵng phát hiện và xử lý kịp thời. Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hoài Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, xung quanh công tác đấu tranh với tội phạm này.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: T.AN

Lật tẩy nhiều đường dây hoạt động tinh vi

. Phóng viên:Thưa ông, chỉ hơn một tháng, với điều kiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 mà cơ quan tố tụng TP Đà Nẵng đã phá án, xử lý xong vụ Chen Xing Fa và đồng phạm tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại VN trái phép. Ông có thể chia sẻ về áp lực khi xử lý vụ án này?

+ Ông Trần Hoài Nam: Đây là vụ đầu tiên trên cả nước, căn cứ pháp luật còn mới nên đương nhiên phải có áp lực nhất định. Tiến độ, thời hạn điều tra, truy tố và xét xử hơn một tháng, trong khi các vụ án khác phải mất 3-4 tháng. Lúc đó ở Lạng Sơn cũng khởi tố một vụ nhập cảnh trái phép nhưng là những người VN tổ chức qua biên giới. Còn cầm đầu vụ này là một người Trung Quốc (TQ) và đã tổ chức cho nhóm người TQ khác đi sâu vào nội địa nước ta. Các chuỗi hành vi của đối tượng còn mới nên ban đầu cũng có những lúng túng nhất định. Sau đó, liên ngành TP đã đánh giá và quyết định khởi tố, điều tra và đưa ra xử trong thời gian sớm nhất để kịp thời răn đe, cảnh tỉnh người dân và góp phần đảm bảo công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Vụ việc có luật sư tham gia và sự can thiệp của lãnh sự quán nước ngoài nên anh em càng phải làm chặt chẽ, kỹ càng hơn. Để đối tượng tâm phục khẩu phục, chúng tôi đã cho trình chiếu hình ảnh chứng cứ tại tòa, đồng thời bố trí phiên dịch cho bị can người TQ trong quá trình xét xử. Phiên tòa kết thúc với bản án nghiêm minh đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận cả nước.

. Năm 2021, số lượng các vụ liên quan đến tội phạm này tăng gấp đôi so với năm 2020 và thủ đoạn chắc chắn cũng ngày càng tinh vi hơn?

+ Trong năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, từ đó phát hiện nhiều đường dây với số lượng lớn là tài xế chuyên nghiệp, câu kết với các nhóm người tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Trong số này có một đường dây khá tinh vi. Các đối tượng lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ đối với người nước ngoài có tay nghề cao, các chuyên gia… để quảng cáo và khảo sát trên mạng xã hội về nhu cầu nhập cảnh VN của khách Hàn Quốc. Sau đó, họ lên danh sách rồi câu kết với các doanh nghiệp trong nước đứng ra ký bảo lãnh lao động khống cho những người này. Thông qua bốn chuyến bay nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng đã có trên 100 người nước ngoài nhập cảnh trái phép theo diện này.

Vụ VKS “đau đầu” nhất liên quan đến đường dây do Đinh Xuân Kiên cầm đầu, được phát hiện ở Hà Giang. Các đối tượng này móc nối với người dân tộc đưa người từ biên giới TQ nhập cảnh trái phép vào nước ta, sau đó di chuyển vào TP Đà Nẵng và TP.HCM rồi sang Campuchia để hoạt động mờ ám như đánh bạc. Đây là đường dây lớn và rất dài với nhiều chặng đưa đón khác nhau, khi đến TP Đà Nẵng thì bị phát hiện, bắt giữ.

Để tìm ra đường dây này hết sức khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát trên cả nước, VKS sát cánh cùng cơ quan điều tra (CQĐT) phải lần theo từng đầu mối một. Sau 7-8 tháng điều tra, đến nay vụ án đã hoàn thành truy tố, chờ xét xử với hơn 20 bị can từ Hà Giang, Hà Nội, TP.HCM.

Những khó khăn khi phá án và tiến hành tố tụng

. Đâu là những khó khăn khi giải quyết các vụ án này, thưa ông?

+ Khó khăn nhất là quan hệ phối hợp về tương trợ tư pháp đối với bị can hoặc đối tượng được đưa vào đường dây nhập cảnh trái phép là người nước ngoài. Việc tìm phiên dịch để dịch thuật lời khai, tường thuật của họ rất khó khăn, đặc biệt là phiên dịch Hàn Quốc rất khó tìm. Việc ủy thác tư pháp để xác minh nhân thân, lý lịch đối tượng người nước ngoài cũng rất mất thời gian. Chẳng hạn Hàn Quốc và Nhật Bản thì họ trả lời rất nhanh chóng, TQ thì trả lời tương trợ tư pháp còn khó khăn, có khi họ không trả lời luôn.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác điều tra, giải quyết vụ án. Để khắc phục, VKS phối hợp với CQĐT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức lấy lời khai trực tuyến để tránh tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng đang điều trị, cách ly y tế.

. Có ý kiến cho rằng các đối tượng đã bị xử lý chỉ là phần ngọn, rất khó để truy ra tận gốc đường dây của loại tội phạm này?

+ Như tôi đã nói, chúng ta vừa làm được một vụ ở Hà Giang, đã truy và bóc tận gốc đường dây từ biên giới cho tới đây. Đâu đó cũng có vài vụ việc, do điều kiện dịch bệnh nên chúng ta không thể điều tra, truy tố hết được, có trường hợp chỉ bóc được một phần vì tội phạm này hoạt động rất tinh vi, trá hình nên khó phát hiện. Cần phải tăng cường công tác phối hợp giữa các CQĐT liên tỉnh, cấp bộ thì mới phát hiện ra các vụ việc lớn hơn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ tội phạm này sẽ giảm trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bởi VN đã chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh nên hạn chế phần nào tình trạng nhập cảnh trái phép. Hơn nữa, hệ thống tòa án cả nước cũng đã kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan, đảm bảo được tính răn đe và nâng cao nhận thức của người dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng.

Về sự tiếp tay của cán bộ

. Tại kỳ họp thứ tư HĐND TP Đà Nẵng khóa X mới đây, Công an TP Đà Nẵng cho biết có cơ quan chức năng đã tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh và ở lại VN trái phép, đã khởi tố và xử lý cán bộ. Ông có thể nói thêm về thông tin này?

+ Đến nay TP Đà Nẵng chưa xảy ra việc đó và vẫn làm tốt công tác rà soát. Có thể vài cá nhân ở một số cơ quan chưa kiểm tra chặt chẽ, có vẻ như thiếu kiểm tra, một số trường hợp buông lỏng kiểm tra. Việc này nội bộ cơ quan đó sẽ xem xét, xử lý kỷ luật chứ chưa xảy ra vụ việc hình sự nào.

Đối với vụ việc ở Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng (một cán bộ của sở này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ - PV), mới khởi tố điều tra qua một đường dây nhập cảnh trái phép và đang trong quá trình điều tra nên tôi chưa thể cung cấp gì thêm.

. Xin cám ơn ông.

Hai năm, truy tố 30 vụ/102 bị can

Phó viện trưởng kể chuyện phá án tội phạm nhập cảnh trái phép ảnh 2

Tháng 7-2020, đúng lúc dịch bùng phát dữ dội tại TP Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã phát hiện một người TQ tổ chức cho nhiều đồng hương nhập cảnh trái phép vào VN với sự tiếp tay của hai người VN. Vụ án Chen Xing Fa và đồng phạm nhanh chóng được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử chỉ trong vòng hơn một tháng. Đây cũng là phiên tòa đầu tiên trong cả nước xét xử về tội danh này.

Theo thống kê, trong hai năm bùng phát dịch COVID-19, VKSND TP Đà Nẵng đã điều tra, truy tố 30 vụ/102 bị can về các loại tội phạm liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại VN trái phép, vi phạm quy định về nhập cảnh. Riêng năm 2021, VKSND TP Đà Nẵng đã truy tố 21 vụ/80 bị can.

Nhiều người tiếp tay khóc vì hối hận

Phóng viên: Đã có thời điểm cả TP Đà Nẵng phải oằn mình chống dịch nhưng vẫn có người VN tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh và ở lại trái phép. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cái giá lớn nhất mà họ phải trả là gì?

+ Ông Trần Hoài Nam: Nguyên nhân chủ yếu là do vụ lợi. Họ vì cái lợi trước mắt mà đồng ý cho những người nhập cảnh trái phép thuê nhà, tìm nơi ở, lo dịch vụ ăn uống, mua giúp đồ dùng sinh hoạt… để thu tiền. Đa số bị can người VN đều thành khẩn khai báo và phải nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, cái giá lớn nhất của việc tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh hoặc ở lại trái phép, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh chính là sự lên án của xã hội, lương tâm của họ sẽ hổ thẹn với những việc đã làm.

Tôi nhớ ở vụ Chen Xing Fa, các đồng phạm người VN khi đó phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận, quá trình điều tra và xét xử tại tòa, có người đã khóc rất nhiều vì hối hận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm