Chuyện về “công tử” Vĩnh Long: Bài 2: Bạn tù của cố Tổng Bí thư Trần Phú

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần về thăm quê Vĩnh Long, gặp cán bộ tuyên giáo, ông nói (đại ý): Nông dân chúng ta đi làm cách mạng, nếu có mất thì mất đầu và quần tà-lỏn, còn những người như “công tử” Lời, tú tài Nhựt (anh hùng Lê Văn Nhựt, Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Vĩnh Long năm 1945-1946) thì mất cả đầu và cả gia sản đồ sộ.

Đến với lý tưởng cộng sản

Ngã tư Long Hồ, nơi “công tử” Lời gặp được người vợ thủy chung con ông Hương cả Tường, cũng là nơi “công tử” gặp được người thanh niên cùng trang lứa tên Nguyễn Văn Đại, thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội vào năm 1929. Năm 1930, nơi đây đã hình thành chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long do ông Nguyễn Văn Thiệt làm bí thư (sau này là bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long). Chính mối duyên gặp gỡ này đã giúp “công tử” Lời bắt gặp lý tưởng cộng sản.

Đây là đoạn trích trong lịch sử tỉnh Vĩnh Long do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản, có thể xem đây là phong trào Xô Viết Vĩnh Long:

“Ngày 2-6-1930, khoảng 2.000 người gồm nông dân, tiểu thương, học sinh, thợ thủ công… từ Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm kéo về ngã tư Long Hồ, sắp thành đội ngũ, giương cao biểu ngữ “Tinh thần ngày Quốc tế Lao động 1-5 muôn năm!”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Đả đảo đế quốc Pháp và quan làng tay sai!”, “Giảm thuế cho dân nghèo!”. Ông Châu Văn Sanh (“công tử” Lời) là người dẫn đầu đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Long trong tiếng hô vang, tiếng tù và và tiếng mõ. Đoàn biểu tình đến Văn Thánh miếu (nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long), cách dinh chủ tỉnh hai cây số thì bị lính Pháp và ngụy chặn đường, nổ súng vào đoàn biểu tỉnh làm tám người chết, 60 người bị thương. Châu Văn Sanh bị bắt và đưa về Sài Gòn…”.

Chuyện về “công tử” Vĩnh Long: Bài 2: Bạn tù của cố Tổng Bí thư Trần Phú ảnh 1

"Công tử" Lời trong một lần dạo phố. Ảnh: TƯ LIỆU

Sự kiện trên khiến ông bị giam ở Sài Gòn hai tháng thì vợ ông, bà Năm Phối, đã dùng tiền lo lót để ông ra tù. Có lẽ xuất thân từ tầng lớp điền chủ, lại là “công tử” ăn chơi có tiếng nên thực dân Pháp không thể tin ông là người cầm đầu đoàn biểu tình.

Ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, cuối năm 1931 lại bị bắt.

Hồi ký của ông Nguyễn Văn Nhung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, có đoạn viết: “Tháng 7-1931, tôi ở chung khám lớn Sài Gòn với Tổng Bí thư Trần Phú, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây, Ngô Văn Chính và Châu Sanh. Trần Phú bị đánh đến lao phổi nặng, tôi và anh Sanh nằm kế bên thay nhau chăm sóc cho đồng chí Trần Phú. Anh Sanh có mặt lúc đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng...”.

Nhiều lần vào tù ra khám

Lần bị bắt này, cô Năm Phối - vợ “công tử” lại lặn lội lên Vĩnh Long, rồi Sài Gòn tìm luật sư “chạy án” cho ông. Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, quê Long Châu, Vĩnh Long, lại là giám đốc Nhà thương điên Biên Hòa, bày kế làm giám định sức khỏe cho “công tử” Lời và kết luận ông bị bệnh tâm thần. Sau này bà Năm Phối kể lại cho con cháu nghe vụ này bà tốn hết “ba sọt tiền bạc trắng” (khoảng 3.000 đồng tiền Đông Dương) để “công tử” thoát nạn tù. Vậy là đầu năm 1932 ông lại được ra tù.

Nhưng rồi hoạt động một thời gian thì ông lại bị địch bắt lần thứ ba vào ngày 3-7-1934. Tòa kêu án 10 năm tù giam và 10 năm đày biệt xứ. Lần này bà Năm Phối lại “gánh bạc trắng” đi chạy án, ông lại được tha.

Chuyện về “công tử” Vĩnh Long: Bài 2: Bạn tù của cố Tổng Bí thư Trần Phú ảnh 2

Bia đặt tại Văn Thánh miếu, phường 4 (TP Vĩnh Long) ghi lại cuộc biểu tình năm 1930 do "công tử" Lời cầm đầu. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền ở chính quốc, “công tử” Lời tích cực tham gia phong trào đòi dân chủ, dân quyền. Ông tiếp tục bị bắt giam lần thứ tư tại Mỹ Tho. Lần này địch bắn tin cho gia đình mang tiền qua chuộc. Người nhà ông kể, mất “hai thùng bạc sọ” khoảng 200 đồng tiền Đông Dương.

Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, năm 1937-1939, theo yêu cầu cách mạng, “công tử” Lời có mở một tiệm sách ở TP Cần Thơ, tên nhà sách là Đời Mới, ở cầu tàu Lục Tỉnh đi lên phía tay trái (nay là đường Ngô Quyền). Ông bán sách cách mạng tiến bộ, sách nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Thời kỳ này Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền nên bán rất tự do. “Công tử” Lời rất nổi tiếng, giao du với nhiều nhà cách mạng: Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Nhỏ…

Hy sinh tại “địa ngục trần gian”

Khi nội các Daladier thay Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp thì ở Đông Dương, thực dân Pháp đàn áp phong trào dân chủ dã man. Nhà sách Đời Mới ở Cần Thơ của “công tử” Lời bị đóng cửa. Ngày 4-1-1940, “công tử” Lời thuê xe chở sách về Cái Nhum, bị địch bắt quả tang tại ngã tư Long Hồ với sách cấm và tài liệu cộng sản. Ngày 20-7-1940, ông bị tòa án Sài Gòn kết tội “vận động lực lượng bất hợp pháp để lật đổ chính quyền” với bản án năm năm tù và 10 năm biệt xứ. Ông bị đày ra Côn Đảo.

Chuyện về “công tử” Vĩnh Long: Bài 2: Bạn tù của cố Tổng Bí thư Trần Phú ảnh 3

Vợ, con trai, con dâu, con rể và cháu “công tử” Lời năm 1957.  Ảnh: TƯ LIỆU

Theo lời bà Võ Thị Canh, em bà Năm Phối (mẹ của bà Huỳnh Quan Thư, tác giả cuốn sách Công tử Lời - Nhân ái một tấm lòng mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước), sáu tháng trước ngày mãn hạn tù, “công tử” Lời có viết thư về cho bà Năm Phối. Đây là bức thư cuối cùng ông viết từ nhà tù Côn Đảo, được bà Năm Phối cất giữ trong tủ sắt như một bảo vật. Bức thư viết bằng mực tím, nội dung tha thiết nhớ nhung vợ con, xin lỗi vợ vì mình nặng việc đại sự nên đã không làm tròn trách nhiệm một người con, người chồng, người cha… Trong thư còn nói sau khi về đất liền ông còn tiếp tục chịu án “biệt xứ” trên Long Khánh…

Càng gần đến ngày mãn hạn tù, gia đình, người thân và nhiều đồng chí của ông trong đất liền càng mong ngóng, trông tin. Công văn của chúa đảo Côn Sơn gửi toàn quyền Đông Dương, đóng dấu ngày 21-6-1943, mang số 123, báo cáo danh sách 17 tù nhân được trả tự do vào ngày 3-7 năm đó, trong đó có ông Châu Văn Sanh. Thế nhưng đùng một cái, gia đình “công tử” nhận được tin ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 27-6, trước ngày mãn hạn tù sáu ngày...

Ông mất khi đang ở tuổi 33, cái tuổi sung mãn nhất của người thanh niên đang xả thân vì nghiệp lớn. Sau này, “công tử” Lời được Nhà nước truy tặng là liệt sĩ.

* * *

Chuyện về “công tử” Lời còn nhiều điều lạ lẫm, thú vị, bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách Công tử Lời - Nhân ái một tấm lòng. Nhưng trên hết, “công tử” Lời, tức “công tử” Vĩnh Long, là người giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì độc lập tự do cho xứ sở, dù xuất thân từ gia đình địa chủ giàu có.

Từng nuôi giấu cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Năm 1936-1939, Tỉnh ủy Vĩnh Long xây dựng cơ sở cho Xứ ủy làm việc tại đất nhà “công tử” Lời ở xã Nhơn Phú, quận Cái Nhum. Năm 1939, ông Mười Tụy (bí danh của ông Nguyễn Văn Linh lúc ấy) cùng thư ký là ông Vũ Thiện Tấn đã từng sống ở đây để hoạt động cách mạng.

Trong hồi ký Cuối đời nhớ lại, ông Nguyễn Thành Thơ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, kể: “Không còn nhớ ai giao thơ cho tôi đi Cái Nhum, chỉ nhớ má tôi dặn: “Đi xe đến Trà Ôn, con đón tàu lục tỉnh chạy về Sài Gòn, đến Cái Nhum con lên bờ, hỏi nhà Bảy Lời ở đâu?”. Sáng hôm đó tôi đến nhà Bảy Lời… Tôi đưa thư cho Bảy Lời xem… Rồi tôi cùng Bảy Lời ra chợ, Bảy Lời thoăn thoắt mua hết món này đến món nọ rồi quảy giỏ hàng dắt tôi theo bờ rạch làng Nhơn Phú, có rất nhiều xẻo, rạch vào vườn nhà, nên phải vượt qua nhiều cầu tre… đến một vườn cây trái xum xuê, trong vườn có một nhà lá vách cặp nẹp sít sao rất đẹp. Ở đó có hai thanh niên, một người là Vũ Thiện Tấn, gặp tôi là ôm. Còn người nữa tôi còn nhớ lúc đó tên Mười Tụy. Tôi đưa thơ cho hai anh. Anh Mười mặc quần cụt đi chân trần đang làm bếp, nấu ăn rất ngon, dọn rửa chén bát…

Không biết các anh bàn thế nào, hôm sau Bảy Lời đưa tôi và anh Thiện Tấn đến thẳng bến tàu lục tỉnh, xuống tàu mướn ngay cabin, cho ăn sáng và trưa rất ngon, đến Trà Ôn tiễn tôi lên bờ. Bảy Lời và Tấn ôm nhau tưởng chẳng rời ra được…”. 

NGUYỄN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.