Sáng 13-9, Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp Trường Đại học Anh Quốc (BUV) khai giảng lớp đào tạo về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dịch vụ hành chính công”.
Tại buổi khai giảng có sự tham dự của ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan.
Phát biểu khai giảng lớp đào tạo, ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết lớp đào tạo với chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ hành chính công" được triển khai theo kế hoạch về “Bồi dưỡng kiến thức về trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức” của UBND TP.HCM và chủ trương định hướng đào tạo, phát triển ứng dụng Công nghệ Bán dẫn và AI trong tương lai của lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Theo ông Trần Xuân Thủy, tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số mang đến là vô cùng lớn, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại nhiều thách thức cho mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là với trung tâm kinh tế và đô thị lớn nhất Việt Nam - TP.HCM.
TP.HCM đang đối mặt với những thách thức lớn về quản lý đô thị, dân số đông đúc và nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công.
"Để đáp ứng kỳ vọng của người dân và nâng cao hiệu quả quản lý, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các dịch vụ hành chính công trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự động hóa quy trình phức tạp, giúp giảm thiểu thời gian xử lý, tăng cường tính minh bạch, đưa ra các quyết định chính xác và nhanh chóng và cải thiện hiệu quả quản lý hành chính. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo còn có khả năng phân tích dữ liệu phức tạp" - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ TP.HCM đáp ứng nhu cầu của người dân một cách hiệu quả và xây dựng một nền hành chính công hiện đại.
Phụ trách lớp học, Tiến sĩ (TS) Ali Al-Dulaimi, Trưởng bộ môn Máy tính và Công nghệ đổi mới, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, cho biết mục tiêu của lớp học là để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong Chính phủ trên toàn cầu, từ đó nhìn nhận các lợi ích và thách thức để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khu vực Chính phủ ở Việt Nam.
"Chúng ta sẽ cùng đánh giá về những điều kiện, yếu tố và mức độ sẵn sàng để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ công ở Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta cùng nhau vẽ ra chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước và cách tiếp cận của các bên đối với hoạt động này" - TS Ali Al-Dulaimi nhấn mạnh trước khi bắt đầu lớp đào tạo.
Lớp học đào tạo về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dịch vụ hành chính công” do Sở Ngoại vụ phối hợp trường Đại học Anh Quốc Việt Nam tổ chức nhằm cung cấp kiến thức tổng quan về AI, ứng dụng trong dịch vụ công và cách thức triển khai AI trong các hoạt động dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, an toàn lao động, giao thông vận tải...
Từ kết quả của chương trình đào tạo, ông Trần Xuân Thủy đề nghị Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức Ngoại giao và Ngoại ngữ (CEFALT) trực thuộc Sở Ngoại vụ TP.HCM, tiếp tục phối hợp trường Đại học Anh Quốc Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo...
Lớp học được triển khai với 6 chuyên đề xuyên suốt từ 8 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 13-9-2024 tại Hội trường CEFALT (87 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) với hơn 80 người tham gia.