Tờ Los Angeles Times cho hay GS Neil Gemmell từ ĐH Otago ở New Zealand cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy một lượng DNA cao một cách đáng ngạc nhiên trong nước ở hồ Loch Ness thuộc về loài lươn.
Phát hiện trên đem đến giả thuyết rằng liệu đó có phải là sự tồn tại của một con lươn khổng lồ hay chỉ là rất nhiều con nhỏ.
Trong một cuộc họp báo ở Scotland hôm 5-9, ông Gemmell nói rằng ý tưởng về một con lươn khổng lồ ít nhất là hợp lý. Đồng thời, kết quả từ các mẫu DNA không tìm thấy bằng chứng ủng hộ quan điểm cho rằng quái vật là một loài khủng long cổ dài có tên là plesiosaur.
Tuy nhiên, ông Gemmell cũng lưu ý rằng dù có giả thuyết về một con lươn khổng lồ tồn tại hàng thập niên nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai bắt gặp được nó trong vùng hồ Loch Ness, Scotland.
Ghi chép đầu tiên về quái vật hồ Loch Ness xuất hiện vào thế kỷ thứ 6 khi một nhà truyền giáo người Ireland St Columba nói rằng ông đã trục xuất một "con thủy quái" xuống đáy hồ Loch Ness.
Bức ảnh được nổi tiếng về quái vật hồ Loch Ness. Ảnh: AP
Bức ảnh nổi tiếng nhất về con quái vật được chụp năm 1934. Trong ảnh, một chiếc đầu nằm trên một chiếc cổ dài nhô cao lên khỏi mặt hồ.
Tuy nhiên 60 năm sau đó, người ta đã phanh phui bức ảnh hóa ra chỉ là một trò lừa bịp, hình ảnh chiếc cổ dài nổi trên mặt nước chỉ là mô hình một con thủy quái gắn vào một chiếc tàu ngầm đồ chơi.