Sau quyết định trì hoãn việc đánh thuế lên một số hàng hóa Trung Quốc (TQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa viết trên Twitter, kêu gọi một cuộc gặp với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhằm giải quyết vấn đề Hong Kong “một cách nhanh chóng và nhân văn”. Phía Mỹ cho biết họ “quan ngại sâu sắc” đối với các hoạt động của lực lượng an ninh TQ ở biên giới với Hong Kong và kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của lãnh thổ này.
Người biểu tình trong 10 tuần nay tổ chức các cuộc biểu tình liên tục để đòi hỏi các quyền tự do lớn hơn ở Hong Kong. Các cuộc biểu tình với quy mô lớn, thậm chí phong tỏa sân bay quốc tế Hong Kong.
Trong khi đó, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thương chiến Mỹ-Trung sẽ kết thúc sớm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter kêu gọi một cuộc gặp với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình nhằm giải quyết vấn đề Hong Kong. Ảnh: AFP
Nỗ lực ghi điểm tranh cử của ông Trump?
Trên Twitter ngày 14-8 (giờ Mỹ), ông Trump gọi Chủ tịch Tập là “một nhà lãnh đạo vĩ đại rất tôn trọng người dân của mình” và là “người tốt trong giải quyết các vấn đề khó khăn”. Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Tôi không có nghi ngờ gì nếu Chủ tịch Tập Cận Bình muốn giải quyết vấn đề Hong Kong một cách nhanh chóng và nhân văn, ông ấy có thể làm được điều đó”.
Theo chuyên gia chính sách James Pethokoukis tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, tổng thống Mỹ có vẻ hơi lo lắng khi viết những tweet này. “Điều tích cực nhất mà tổng thống có thể làm lúc này là gửi một thông điệp cho biết ông ấy sẵn sàng kết thúc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung” - ông Pethokoukis phát biểu với hãng tin CNBC.
Dòng tweet dường như là nỗ lực mới nhất của ông Trump nhằm ổn định thị trường tài chính khi nhiều nhà đầu tư lo ngại mối bất hòa của Mỹ với TQ và thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đầu tuần này, ông Trump quyết định trì hoãn thuế quan đối với một số hàng hóa TQ trong khi loại bỏ hoàn toàn một số mặt hàng khỏi danh sách thuế quan. Đây được xem là một động thái nhằm tránh bất kỳ tác động tiêu cực nào trong mùa mua sắm năm nay.
Cựu lãnh đạo quản trị thương mại quốc tế cho Bộ Thương mại Mỹ Frank Lavin cho rằng ông Trump đang thực hiện những bước lùi với hy vọng TQ có thể chủ động tiến lên. “Liệu ông Trump sẽ chấp nhận thỏa thuận hay dùng thỏa thuận đó để tiếp tục thương lượng? Tổng thống có thể sẽ tìm cách gửi đi thông điệp rằng ông ấy nhận ra đó là một thỏa thuận tốt” - ông Lavin đánh giá.
Tờ USA Today cho biết ông Trump kỳ vọng vào thông điệp giúp nền kinh tế Mỹ hưng thịnh của mình ở đợt tranh cử cho nhiệm kỳ lần hai này. Trong khi vẫn nhắc đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán từ lúc ông đắc cử, tổng thống cũng “đổ lỗi” Cục Dự trữ Liên bang đã khiến nền kinh tế kém phát triển hơn.
Ngoài vấn đề chiến tranh thương mại, ông Trump còn bị chỉ trích bởi Quốc hội Mỹ vì đã thiếu cứng rắn hơn về tình hình Hong Kong. Ngày 14-8, thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Mỹ Chuck Schumer đồng ý với một số chính trị gia khác kêu gọi hỗ trợ Hong Kong.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump sẽ mất điểm nếu ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu hiện rõ trên dữ liệu người tiêu dùng vào hai tháng cuối năm nay. Chuyên gia về Mỹ SHEN DINGLI |
“Thách thức nghiêm trọng” cho ông Tập
Sáng 15-8, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, đã đăng một bài xã luận cảnh báo các nước phương Tây trong việc can thiệp tình hình Hong Kong. “Các chính trị gia phương Tây không nên can thiệp đến vấn đề của nước khác và những kẻ có động cơ vụ lợi cũng không cần phải quan tâm đến tình hình ở Hong Kong” - CNBC trích dẫn bài đăng của truyền thông quốc gia.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã nhiều lần nói với thế giới rằng các cuộc biểu tình đang diễn ra là vấn đề nội bộ của TQ. Đài RT nói rằng một số người biểu tình ở Hong Kong thậm chí đã giương cờ Mỹ. Việc này khiến chính quyền và truyền thông TQ cáo buộc Mỹ thúc đẩy một cuộc “cách mạng màu” tại Hong Kong.
Trong một bài xã luận khác ngày 14-8, Nhân Dân Nhật Báo mô tả các tweet của chính trị gia Mỹ đã phơi bày “tính đạo đức giả và ác ý của họ”. Hơn nữa, họ đã ngụy biện bạo lực là đấu tranh cho dân chủ và cố ý thông tin sai lệch việc làm của cảnh sát Hong Kong. Theo tờ báo này, các nhà chính trị Mỹ đang can thiệp vào vấn đề nội bộ của TQ.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội và khó lường đã khiến tình hình Hong Kong ngày càng bất ổn. Theo hãng tin CNN, sự kiện này có thể trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012.
Hình ảnh vệ tinh chụp cho thấy nhiều phương tiện quân sự TQ đang tập trung giữa sân vận động ở Thâm Quyến, nơi giáp ranh với Hong Kong, theo tờ The Guardian. CNN nói rằng họ thấy nhiều cảnh sát của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân TQ, được trang bị khiên chống bạo lực và dùi cui tại Trung tâm thể thao Vịnh Thâm Quyến. Trước đó, truyền thông TQ cũng phát một video quay cảnh lực lượng an ninh tập trung gần khu vực biên giới Hong Kong. Các chuyên gia nói rằng một sự xâm nhập như vậy sẽ có tác động tai hại đối với trung tâm tài chính châu Á Hong Kong, có thể dẫn đến một cuộc di cư hàng loạt của người dân. Ngoài ra, TQ sẽ có thể bị quốc tế phản ứng và điều này ảnh hưởng lớn đến chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Nhưng khi các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong bước vào tháng thứ ba, các cảnh báo từ Bắc Kinh ngày càng trở nên thiếu hiệu quả hơn và nhiều quan chức đã ám chỉ rằng can thiệp quân sự có thể xảy ra. |