Ngày 21-9, một quan chức cấp cao Mỹ (đề nghị không nêu tên) cho biết chính phủ Washington sẽ áp lệnh trừng phạt đối với hơn 20 cá nhân và thực thể liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của Iran, theo hãng tin Reuters.
Quan chức Mỹ cho biết các mục tiêu áp dụng trừng phạt bao gồm hơn 20 quan chức cấp cao, nhà khoa học, các chuyên gia, các thành viên mạng lưới mua sắm và một số quan chức cấp cao liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Iran.
"Mục tiêu chính của Mỹ là áp lệnh trừng phạt đối với những đối tượng mua và bán vũ khí cho Iran" - quan chức này tiết lộ.
Quốc kỳ Iran và Mỹ tại Vienna, Áo ngày 14-7-2015. Ảnh: REUTERS
Theo quan chức này, Tehran có thể đã nối lại hợp tác tên lửa tầm xa với Triều Tiên và có đủ nguyên liệu để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quan chức lại không đưa ra bằng chứng cụ thể.
"Iran hiện đang làm mọi cách có thể để duy trì khả năng thúc đẩy hoạt động kinh doanh vũ khí" - quan chức Mỹ nói thêm.
Nếu thông tin này chính xác thì đây sẽ là động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nghi ngờ Tehran vẫn đang tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, mặc dù Iran luôn bác bỏ cáo buộc này.
Thông tin này xuất hiện trong lúc Mỹ đang bất đồng ý kiến và vấp phải sự phản đối của các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về việc khôi phục lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Lệnh cấm vận vũ khí thông thường của HĐBA LHQ với Iran sẽ hết hạn vào ngày 18-10 tới theo thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ tuyên bố nước này sẽ áp lệnh cấm Iran trong trường hợp HĐBA LHQ không tiếp tục gia hạn trừng phạt với nước này.
Theo đó, lệnh trừng phạt mới sẽ được áp dụng đối với bất kỳ mặt hàng vũ khí nào của Iran, bao gồm cả vũ khí thông thường có khả năng sử dụng trong quân sự.
Những lệnh trừng phạt mới là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Nỗ lực này của Mỹ diễn ra vào thời điểm Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrain tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel, với Mỹ làm trung gian.
Việc Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran cũng khiến các đồng minh châu Âu, Trung Quốc và Nga chú ý. Lý do các công ty có trụ sở tại các quốc gia này cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn vì đi ngược lại với động thái của Washington, theo Reuters.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ, ngày 26-9-2019. Ảnh: REUTERS
Trước đó vào tháng 5-2018, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và phục hồi lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, khiến nền kinh tế Tehran bị tê liệt.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran cũng đang từng bước lờ đi các hạn chế trong cam kết thỏa thuận hạt nhân 2015 và vi phạm thỏa thuận này.
Đại diện IAEA cho biết Iran bắt đầu vi phạm các thỏa thuận hạt nhân 2015 và tiếp tục làm giàu uranium cho việc sản xuất bom nguyên tử sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Khi được yêu cầu bình luận về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, phát ngôn viên Iran tại LHQ khẳng định đây thực chất là “sự thất bại thảm hại của Mỹ và sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì".
"Cả thế giới đều hiểu rằng đây là một phần của chiến dịch bầu cử tiếp theo của ông Trump và Iran không hề muốn nghe theo những tuyên bố vô lý của Washington tại LHQ. Điều đó chỉ khiến cho Mỹ càng bị cô lập hơn trong cộng đồng quốc tế thôi" - quan chức Iran chỉ trích.
Phía Nhà Trắng hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về sự việc này, Reuters đưa tin.