Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought đang tìm cách trì hoãn thực thi lệnh cấm đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, tờ The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin ngày 9-6.
Theo hãng tin Reuters, ông Vought đã đưa ra đề nghị này trong một bức thư gửi tới Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và các thành viên trong Quốc hội Mỹ hôm 4-6. Bức thư này được WSJ báo cáo đầu tiên.
Cụ thể, trong thư, ông Vought yêu cầu trì hõa các hạn chế đối với Huawei trong vòng bốn năm thay vì hai năm như hiện tại nhằm “đảm bảo thực thi lệnh cấm hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo mật”.
Một số quốc gia cáo buộc Huawei được nhà nước Trung Quốc tài trợ và làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh thông qua các thiết bị. Ảnh: Business Standard
Bức thư viết rằng lịch trình thực hiện những hạn chế đối với Huawei sẽ làm giảm đáng kể số lượng nhà thầu có thể bán thiết bị cho chính phủ Mỹ.
Bức thư yêu cầu các rào cản đối với việc mua thiết bị Huawei đối với các nhà thầu của chính phủ bắt đầu sau bốn năm, so với cột mốc hai năm như hiện nay. Việc trì hoãn sẽ cho chính phủ Mỹ "thêm thời gian để suy nghĩ thấu đáo về các tác động tiềm tàng cũng như các giải pháp khả thi".
Đề xuất trên cũng yêu cầu chính phủ Mỹ lắng nghe ý kiến từ phía các nhà cung cấp về những vấn đề liên quan đến lệnh cấm, theo Reuters.
Phía văn phòng Phó Tổng thống Mỹ vẫn chưa có phản hồi về thông tin này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9-6 nói rằng Tổng thống Trump có thể cân nhắc giảm áp lực lên Huawei nếu nhìn thấy có tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, theo Reuters.
"Nếu Tổng thống nhận được những tín hiệu tốt đẹp và một số đảm bảo nhất định từ phía Trung Quốc, ông ấy sẵn sàng làm gì đó với Huawei", Bộ trưởng Mnuchin nói.
Theo ông Mnuchin, Mỹ đã sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận với Trung Quốc nhưng cũng vẫn sẽ duy trì hàng rào thuế quan nếu cần. "Nếu Trung Quốc muốn ký thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng ký thỏa thuận theo những điều khoản mà đôi bên đã thống nhất. Nếu Trung Quốc không muốn, Tổng thống Trump vẫn hoàn toàn vui vẻ với các đòn thuế để tái cân bằng mối quan hệ", ông Mnuchin tuyên bố.
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5 đưa Huawei và khoảng 70 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen, cấm họ mua thiết bị Mỹ nếu không có sự cho phép của chính phủ. Thực hiện lệnh cấm, Google tạm dừng kinh doanh với Huawei, bao gồm việc chuyển giao các dịch vụ phần cứng, phần mềm và kỹ thuật, ngoại trừ các dịch vụ công khai thông qua cấp phép nguồn mở.
Một số quốc gia cáo buộc Huawei được nhà nước Trung Quốc tài trợ và làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh thông qua các thiết bị. Năm 2018, Australia, Nhật Bản, New Zealand cấm Huawei tham gia các hợp đồng chính phủ do lo ngại an ninh.
Nhà Trắng vận động và gây sức ép với các đồng minh thân cận ở châu Âu ngừng hợp tác với Huawei vì lý do an ninh. Huawei nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ rằng họ cài đặt quyền tiếp cận "cửa sau" vào các thiết bị của mình theo lệnh chính phủ Trung Quốc, giúp Bắc Kinh theo dõi người dùng.