Quan hệ Mỹ-Philippines nồng ấm hơn nhờ mối lo chung Trung Quốc

Trong tháng 7 này, cả Philippines và Mỹ sẽ chính thức tiến hành xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) được hai nước ký kết vào năm 1951.

Tờ The Nikkei (Nhật Bản) cho biết đây là đợt đánh giá quan trọng nhất trong suốt quãng thời gian tồn tại của Hiệp ước này. Trong bối cảnh hai nước phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới nổi mà Trung Quốc là vấn đề hàng đầu, các chuyên gia dự kiến sẽ xuất hiện những điều chỉnh trong quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Philippines.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng yêu cầu Philippines và Mỹ phải tiến hành đánh giá lại MDT một cách "kỹ càng". Bộ trưởng viện dẫn những thay đổi sâu rộng trong bối cảnh an ninh khu vực và những lo ngại về cam kết của Washington đối với MDT là nguyên nhân cho phát ngôn của mình. Trước đó, ông Lorenzana cũng từng để ngỏ khả năng rút Philippines ra khỏi MDT trong một cuộc họp báo năm 2018.

Mối đe doạ từ Trung Quốc ở biển Đông

"Kể từ sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc tàu cá Gem-Ver 1 của   Philippines cùng 22 ngư dân gần Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hôm 9-6, cả hai nước đều ý thức được sự cấp bách về mặt chiến lược. Sự việc diễn ra càng củng cố hơn cho tính cấp thiết của việc thúc đẩy một liên minh Mỹ-Phillipines bền chặt hơn nữa", chuyên gia Richard Heydarian  nhận định.

Nhóm ngư dân Philippines trên tàu Gemvir-1 sau khi được giải cứu. Ảnh: AP

Theo ông Heydarian, mặc cho lập trường bài phương Tây của Tổng thống Rodrigo Duterte, hợp tác giữa Washington và Manilla vẫn đạt được những tiến triển nhất định trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Các hoạt động chống khủng bố, cứu nạn và hỗ trợ thiên tai chung là những điển hình.

Tuy vậy, chuyên gia Heydarian cho rằng chính quyền hai nước nên đặt vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải trở thành mục tiêu tiếp theo cần tập trung tăng cường phối hợp.

"Trung Quốc hiện đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông thông qua chiến thuật 'vùng xám'. Theo đó, chiến thuật này bao gồm việc doạ nạt và cản trở các hoạt động khai thác cá hoặc quân sự của các nước đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, nước này thận trọng không đẩy căng thẳng lên cao đến mức nổ ra xung đột vũ trang. Việc triển khai lực lượng dân quân biển ở Biển Đông cũng là một phần của chiến thuật này", ông Heydarian giải thích.

Hiện nay, chuyên gia Heydarian nhận định có hai lý do đẩy quan hệ hai nước nhích lại gần nhau hơn. 

Dân quân biển, vũ khí chủ lực của Bắc Kinh?

Thứ nhất, dân quân biển của Bắc Kinh đang dần phát triển thành một mối đe doạ thật sự. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2019, gần 300 tàu quân sự Trung Quốc đã áp sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép. Song song với đó là sự gia tăng các hoạt động quấy nhiễu ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên đến cực điểm khi một tàu cá Philippines hôm 9-6 được nhắc đến ở trên. Nhằm tránh mất hoà khí với chính quyền Bắc Kinh, ông Duterte khăng địnnh sự việc chỉ là một "tai nạn hàng hải nhỏ", tương tự mô tả "một sự cố hàng hải bình thường" của Trung Quốc.

Ảnh tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện gần bãi cạn Scarborough hôm 10-6 do Cảnh sát biển Philippines cung cấp. Ảnh: TWITTER. 

Trái lại, giới lãnh đạo quân đội của nước này tỏ ra nghi ngờ hành động đâm tàu có thể là một phần của một chiến lược chiến tranh trên biển lớn hơn của Bắc Kinh. Họ cũng nhận định dân quân biển sẽ đóng vai trò tiên phong giúp Trung Quốc triển khai chiến lược này. 

Nguồn tin của chuyên gia Heydarian cho biết phía quân đội đang tìm cách gây ảnh hưởng lên Tổng thống Duterte nhằm thuyết phục ông tăng cường hợp tác với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Thậm chí, nhiều chính trị gia đã công khai kêu gọi chính phủ hãy dựa vào nội dung của MDT để tiến hành trả đũa.

"MDT là một vũ khí chưa được sử dụng đến. Tôi không chủ đích kêu gọi bắt đầu Thế chiến III nhưng ít nhất nó sẽ cho Trung Quốc thấy sự cân bằng quyền lực ở biển Đông", Nghị sĩ Panfilo Lacson tuyên bố về vụ việc hôm 9-6.

Mỹ đã sẵn sàng

Lý do thứ hai, theo ông Heydarian, đó là chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chứng tỏ họ sẵn sàng đối đầu Trung Quốc. Động thái này được thể hiện qua sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và những tuyên bố trấn an dành cho các đồng minh như Philippines. Washington trong những tháng gần đây được đánh giá đã dần xác lập một cách chính xác mức độ cam kết của mình trong quan hệ chiến lược với Manila ở biển Đông.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines diễn ra gần bãi cạn Scarborough hồi tháng 5-2019. Ảnh:  MILITARY TIMES 

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Teddy Locsin tại Manila đã lên tiếng trấn an và xóa tan những nghi ngờ nói trên của đồng minh. Đồng thời, ông Pompeo cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ vào hoà bình và ổn định khu vực.

“Những hoạt động quân sự và cải tạo đảo của Trung Quốc ở biển Đông đã đe doạ chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines, cũng như là của Mỹ. Do biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ khởi động nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”, ông Mike Pompeo khẳng định.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ công khai đề cập đến phạm vi địa lý cho việc áp dụng MDT. 

Trong giai đoạn căng thẳng vụ đâm tàu ngày 9-6, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tiếp tục khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào của "dân quân biển cho Trung Quốc hậu thuẫn" nhằm vào tàu, máy bay hay lực lượng quân sự của Philippines trong khu vực cũng sẽ khởi động nghĩa vụ phòng thủ chung.  

Bên cạnh các tuyên bố trên, Washington cũng thường xuyên triển khai tàu chiến thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) ở biển Đông. Các hoạt động khác bao gồm gửi các nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển của Philippines và điều những vũ khí tối tân nhất mà nước này đang sở hữu như chiến đấu cơ tàng hình F35 đến tham gia tập trận cùng đồng minh.

Được biết, Mỹ và Phillipines dự kiến sẽ thực hiện khoảng 280 hoạt động quân sự chung trong năm 2019, nhiều nhất trong số các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết hai bên cũng đang nghiên cứu các đường lối thực hiện chiến dịch mới nhằm cải thiện khả năng phối hợp phản ứng trước các mối đe doạ. Ông cũng tuyên bố đã chấm dứt các ý định gỡ bỏ hay thay đổi hoàn toàn quan hệ đồng minh với Washington. 

Chuyên gia Heydarian khuyến nghị Washington vẫn nên tiếp tục xác định rõ cam kết bảo vệ đồng minh của mình chừng nào Trung Quốc vẫn còn tiến hành các hành động khiêu khích trên biển Đông. Ngược lại, Manila cũng nên chủ động hoà nhập và mở rộng hợp tác an ninh hàng hải hơn. Điều này có thể được thực hiện thông qua tham gia nhiều cuộc tập trận hơn hoặc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự chiến lược gần biển Đông.

"Bằng cách này, hai nước sẽ có thể giải quyết các nỗi lo ngại an ninh chung tốt hơn và trong quá trình đó sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ đồng minh giữa hai bên trước các thách thức đang trỗi dậy ở thế kỷ 21", ông Richard Heydarian kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm