Hiện tại quan hệ Trung Quốc-Úc đang bước vào thời kỳ căng thẳng mới khi hàng loạt quan chức cấp cao của Úc ủng hộ cộng đồng quốc tế điều tra về các công tác xử lý dịch COVID-19 của Trung Quốc, cũng như các thông tin xoay nguồn gốc khởi phát của virus.
Đáp trả, Trung Quốc phản đối kịch liệt các động thái từ phía Úc, đồng thời cáo buộc Canberra có ý đồ chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Úc - ông Thành Cạnh Nghiệp hồi tuần trước còn công khai cảnh báo kinh tế Úc sẽ thiệt hại nặng chừng nào nước này còn tiếp tục theo đuổi đề xuất trên.
Quan hệ Trung-Úc sẽ thay đổi
Ngoại trưởng Úc Marise Payne sau đó nhấn mạnh Úc bác bỏ “phản đối bất kỳ ám chỉ nào cho rằng chèn ép kinh tế là cách hành xử phù hợp trong bối cảnh thế giới cần có sự hợp tác toàn cầu”, theo tờ The Australian.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne trong họp báo về phát ngôn của Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp ngày 28-4. Ảnh: REUTERS
Tờ báo này cho rằng cần phải làm rõ quan hệ Trung Quốc với thế giới đang chịu ảnh hưởng từ việc Bắc Kinh thiếu thiện chí trong vấn đề minh bạch thông tin vào giai đoạn đầu của dịch bệnh.
Trong bối cảnh Trung Quốc mong muốn đảm trách nhiều vai trò hơn trên trường quốc tế, việc cung cấp đầy đủ dữ liệu là một bước đi cần thiết và rất quan trọng cho nỗ lực đẩy lùi đại dịch toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dù quan hệ Trung Quốc-Úc nhiều năm qua đúng là có nhiều mâu thuẫn về mặt chính trị, song quan hệ thương mại hai bên vẫn phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại của Úc, trị giá khoảng 150 tỉ USD trong hai năm 2018-2019.
Cường quốc châu Á này cũng là thị trường lớn nhất cho các mặt hàng như than, quặng sắt, rượu và các loại dịch vụ du lịch và giáo dục của Úc, theo hãng tin Reuters. Ngay cả thời điểm Úc thông qua đạo luật chống can thiệp thương mại nhắm đến Trung Quốc vào tháng 6-2018, kim ngạch hai nước vẫn tăng 20%.
"Điều rút ra được ở đây là có thể quan hệ giữa kinh tế và chính trị không thật sự gắn kết chặt chẽ như nhiều ý kiến từng đưa ra. Quá rõ ràng là Trung Quốc rất cần nguồn nguyên liệu chất lượng cao, giá cạnh tranh mà Úc có thể cung cấp nhưng hai nước không tương thích về mặt thể chế. Do đó, mối quan hệ hai bên ở đây thuần túy là về kinh tế" - The Australian nhận định.
Dù vậy, đây cũng chỉ là những xu hướng tồn tại trong giai đoạn trước COVID-19. Với sức tàn phá và tác động quá lớn của tình hình dịch hiện nay, có thể bản chất cốt lõi của quan hệ Trung Quốc-Úc nói riêng và quan hệ các nước với Trung Quốc nói chung sẽ thay đổi rõ rệt.
Úc nên bớt lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế
Trước mắt, các lãnh đạo trên thế giới sẽ ý thức được rằng việc duy trì quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc là một bước đi quá rủi ro và sẽ dẫn đến viễn cảnh là nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Chúng ta có thể sẽ thấy vai trò kinh tế trung tâm của Trung Quốc suy giảm trong nền kinh tế toàn cầu. Úc cũng sẽ giảm phụ thuộc vào nền kinh tế nước này" - The Australian khẳng định.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất mà chính quyền Canberra phải đối mặt khi giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là lo ngại nền kinh tế Úc không thích nghi kịp với những thay đổi đưa ra.
Đơn cử, du lịch và giáo dục là hai dịch vụ xuất khẩu lớn thứ ba và thứ tư của Úc. Nếu dòng du học sinh Trung Quốc tới các trường đại học ở Úc dừng lại và khách du lịch Trung Quốc cũng không đến Úc nữa thì hai ngành này chắc chắn sẽ thiệt hại rất nặng.
Do đó, Úc nên tận dụng tình hình thế giới sau đại dịch COVID-19 như một trang giấy mới để đa dạng hóa các đối tác kinh tế, đặc biệt là trong hai lĩnh vực vừa nêu.
Chất lượng giáo dục tốt là lợi thế giúp Úc không phải phụ thuộc vào nguồn sinh viên của Trung Quốc. Ảnh minh họa: CNN
"Giáo dục đại học của Úc có chất lượng tốt và có hiệu quả cao cho bất kỳ sinh viên nào nhập học. Điều này cho thấy không thiếu những nguồn sinh viên từ những nước khác để thay thế Trung Quốc. Khu vực Nam Á và Đông Nam Á là một ví dụ" - The Australianbình luận.
Về phía các lĩnh vực sản xuất hay chế tạo, The Australian cho rằng Úc cần rút ra được bài học lớn là cần phải tăng cường khả năng tự lực, tự cường để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, việc tìm kiếm một đối tác thương mại khác trong thời gian tới cũng nên là những ưu tiên hàng đầu.
"Trung Quốc đang vũ khí hóa các chính sách kinh tế để gia tăng ảnh hưởng và cưỡng ép các nước khác theo họ. Đây chắc chắn không phải là một đối tác đáng tin cậy trong thời điểm Úc gặp khủng hoảng, ở hiện tại lẫn tương lai. Còn rất nhiều nước châu Á khác có thể khỏa lấp vai trò này. Do đó, Canberra cần nên cân nhắc thận trọng về quan hệ với Trung Quốc" - tờ báo kết luận.