Từ giữa năm 2017, nhiều nhà lãnh đạo Úc đã công khai đề nghị hỗ trợ cho những nỗ lực nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời gợi ý Bắc Kinh và Canberra nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Sáng kiến Vành đai Con đường được cho là một trong những dự án phù hợp.
Mới đây, trả lời Tân Hoa Xã, cựu bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc Andrew Robb đã phát biểu rằng: “Sáng kiến Vành đai Con đường sẽ mang lợi ích thương mại đến tất cả quốc gia”. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng từng khẳng định muốn đẩy mạnh các cam kết với Trung Quốc (TQ) trong các dự án phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về quản trị và minh bạch.
Những động lực tiềm năng
Theo ông Andrew Robb, dự án Vành đai Con đường đang tập trung cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển. Đặc biệt, dự án nhằm kết nối các nước này để giúp quá trình giao thương dễ dàng và kinh tế hơn từ các nước kém phát triển sang nhiều khu vực khác của thế giới. Ông Robb nói rằng Úc rất mạnh trong nhiều lĩnh vực và có thể đóng vai trò quan trọng cho dự án như cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục và chăm sóc người già.
“Sáng kiến này sẽ giúp mở rộng nền kinh tế những nước tham gia. Chúng ta đã thấy TQ chuyển mình trong 40 năm qua: 500 triệu người thoát nghèo. Đó là một phép màu” - thành viên ban cố vấn của tổ chức chính phủ sáng kiến Vành đai Con đường Úc - TQ nhận xét.
Hơn nữa, cựu bộ trưởng Úc còn tin rằng dự án sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Úc, TQ. Theo Ủy ban Thương mại và Đầu tư Úc, gần 1/4 hàng xuất khẩu của Úc được chuyển sang TQ. Đồng thời, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới vẫn là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Úc.
Sáng kiến Vành đai Con đường của TQ hiện trải rộng qua ba châu lục và vươn tới 60% dân số thế giới, theo trang Africa Center for Strategic Studies. Riêng ở Úc, Victoria đã trở thành tiểu bang đầu tiên đăng ký tham gia dự án.
Người đứng đầu bang Victoria (Úc) Daniel Andrews và Đại sứ Trung Quốc ở Úc Cheng Jingye. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc
Cạnh tranh và lo ngại
Những chiến lược và phản ứng của Canberra được xem là vô cùng quan trọng ở Thái Bình Dương. Bên cạnh việc hợp tác, nhiều nhà quan sát coi sự xoay trục sang nam Thái Bình Dương của Úc là nhằm kiềm chế sự hiện diện thiếu tích cực ngày càng tăng của TQ tại khu vực.
Tôi rất lạc quan về những gì Vành đai Con đường có thể đóng góp cho khu vực. Vẫn còn nhiều quốc gia kém phát triển và tôi tin rằng dự án này có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân và giúp giảm nghèo ở những quốc gia tham gia. Cựu bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc ANDREW ROBB |
Các quan chức nước Úc cũng đã đề xuất chính phủ cấp thêm nguồn lực cho cơ quan tín dụng xuất khẩu quốc gia để hỗ trợ đầu tư trong khu vực, bao gồm thông qua quan hệ đối tác ba bên mới giữa Úc, Mỹ, Nhật Bản. Dự án khí thiên nhiên hóa lỏng trị giá khoảng 685 triệu USD đã được công bố tháng 6 năm nay ở Papua New Guinea dưới sự hợp tác này.
Theo tờ South China Morning Post, một động lực để Úc tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở khu vực là vì các cáo buộc liên quan đến chính sách bẫy nợ của TQ nhằm có được đòn bẩy đối với các nước nhỏ hơn. Trong khi chính phủ Úc vẫn ngần ngại chưa ký biên bản ghi nhớ với TQ vì muốn đạt được những tiêu chuẩn cơ bản trong dự án xuyên lục địa của Bắc Kinh, một số chuyên gia đề xuất những phương pháp khác có thể giúp quá trình hợp tác hiệu quả hơn.
Ông Jeff Wilson, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Perth - USAsia (Úc), cho rằng cách tiếp cận đơn giản nhất sẽ là Úc tích cực tham gia sáng kiến Vành đai Con đường bằng cách sử dụng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á làm cơ quan bảo đảm các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi nhiều liên quan đến cơ chế và tính minh bạch, hiệu quả của ngân hàng này.
Một lựa chọn khác là ký một biên bản ghi nhớ chung về hợp tác với TQ, bao gồm một tuyên bố rõ ràng về các tiêu chuẩn mà Úc sẽ có quyền quyết định. Như vậy, Úc đang đứng trước một số chọn lựa khác nhau nhưng điều quan trọng là làm sao để tối thiểu hóa rủi ro khi chơi với TQ.
Thế mạnh Úc có thể cạnh tranh Bắc Kinh Theo Giám đốc Trung tâm Úc về TQ trên thế giới Jane Golley, có những lĩnh vực ngoài cơ sở hạ tầng mà Úc có thể tăng cường cạnh tranh với Bắc Kinh ở châu Á - Thái Bình Dương như giáo dục, lực lượng lao động và trao đổi văn hóa. Có khoảng 9.300 sinh viên từ khắp khu vực trong thập niên qua đã đạt được các học bổng, khóa học từ hệ thống giáo dục của Úc. Tương tự, trong lực lượng lao động và trao đổi văn hóa, việc mở rộng Chương trình Lao động Thái Bình Dương nhằm cho phép người dân từ các quốc đảo Thái Bình Dương làm việc ở Úc trong vòng tối đa ba năm là một công cụ hữu ích khác. Những lựa chọn thay thế cho các dự án cơ sở hạ tầng do Úc tài trợ có thể củng cố sự ảnh hưởng của quốc gia này ở khu vực và đồng thời giúp Thái Bình Dương ổn định hơn. |