Quản lý ra sao khi vành đai 3 TP.HCM đi qua nhiều địa phương?

(PLO)- TP.HCM sẽ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai dự án, trình Chính phủ ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết ngay sau khi Quốc hội (QH) thông qua chủ trương đầu tư dự án vành đai 3, TP.HCM và các địa phương sẽ thực hiện theo quy định hiện hành và cơ chế đặc thù được QH thông qua.

Nghiên cứu để đề xuất Chính phủ 1 số cơ chế triển khai dự án

Theo đó, TP.HCM sẽ chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai dự án trình Chính phủ. Bên cạnh đó, TP.HCM và các địa phương nghiên cứu để đề xuất Chính phủ một số cơ chế triển khai dự án như cơ chế chuyên gia, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ chế về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng (GPMB), tổ chức thi công, nguồn vật liệu, nhà thầu,... đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

Bình đồ tổng thể các nút giao, chỗ ra vào cao tốc trên tuyến vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.

Bình đồ tổng thể các nút giao, chỗ ra vào cao tốc trên tuyến vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM cung cấp.

Bên cạnh đó là thành lập Ban Chỉ đạo chung giữa TP.HCM và các tỉnh do đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng Ban để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ.

Trong đó, ưu tiên tập trung chỉ đạo đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, triển khai kế hoạch khai thác, phát triển quỹ đất, đô thị dọc hai bên tuyến đường cùng với quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

TP.HCM và các địa phương cũng sẽ thành lập tổ chuyên gia, mời các chuyên gia có kinh nghiệm về công tác quản lý, chuyên gia kỹ thuật, vật liệu, chất lượng, pháp lý, tổ chức điều hành, thi công... Từ đó giúp cho TP.HCM tổ chức chuẩn bị triển khai thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

TP.HCM chủ trì, thống nhất với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An các nội dung: Kế hoạch, tiến độ triển khai thực hiện dự án; các yếu tố hình học của tuyến đường.

Bên cạnh đó là các giải pháp kỹ thuật tại các vị trí tiếp giáp của các dự án thành phần để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, tính đồng bộ toàn dự án; khung tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản áp dụng cho toàn dự án; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; Cơ chế khai thác mỏ và cung cấp nguồn vật liệu thông thường cho dự án.

TP.HCM sẽ là cơ quan đầu mối

TP.HCM thay mặt UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện các thủ tục phối hợp đề xuất vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định (nếu có),....

TP.HCM sẽ tổng hợp các nội dung thực hiện, khó khăn, vướng mắc, các nội dung điều chỉnh trình Chính phủ, báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó là xây dựng tiến độ tổng thể và kế hoạch thực hiện chi tiết; cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, các dự án thành phần để triển khai thực hiện.

Theo Ban Giao thông, đối với UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An sẽ xây dựng tiến độ và kế hoạch thực hiện chi tiết; cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương để triển khai các dự án thành phần đảm bảo tính đồng bộ về tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả.

Tuyến đường vành đai 3 hoàn thành sẽ xoá nhiều điểm kẹt xe hiện hữu. Ảnh: ĐT.

Tuyến đường vành đai 3 hoàn thành sẽ xoá nhiều điểm kẹt xe hiện hữu. Ảnh: ĐT.

UBND các tỉnh chỉ đạo UBND các cấp thuộc địa phương có dự án đi qua có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, tái định cư đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Từ đó, đảm bảo công khai, minh bạch và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.

Các địa phương cũng tập trung, ưu tiên triển khai trước công tác GPMB đối với một số hạng mục khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án như: khu vực phải xử lý đất yếu, khu vực đông dân cư, các khu tái định cư, khu vực đổ vật liệu thừa, mỏ vật liệu, di dời các hạ tầng kỹ thuật...

Dự án vành đai 3 giai đoạn 1 dài hơn 76,34 km, có vốn đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư 41.589 tỉ đồng.

Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Trong đó, trung ương bố trí 50% tổng mức đầu tư ở các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; 75% tổng vốn đầu tư các dự án thành phần địa bàn tỉnh Long An.

Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ hai đến ba làn xe. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, thông xe và sử dụng vào năm 2026, quyết toán 2027

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm