Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau

Ngay cả các ý kiến ủng hộ chủ trương này cũng đề nghị Chính phủ phải cung cấp thêm thông tin, thậm chí là báo cáo khả thi để QH xem xét và đưa ra quyết định. Một số đại biểu còn cho rằng phải đưa dự án ra để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật NGUYỄN VĂN THUẬN:

Không thể để con cháu nai lưng trả nợ

GDP năm 2009 của chúng ta mới đạt 90 tỉ USD, trong khi đó nguồn vốn dự án này gần 56 tỉ USD, chiếm tới 2/3 GDP. Nợ Chính phủ đã lên đến 42% GDP rồi, giờ gánh thêm dự án đường sắt cao tốc nữa thì tiền đâu? Chúng ta đã tính đến bài học của Hy Lạp đang khủng hoảng vì nợ công chưa? Chúng ta không thể quyết dự án này được để rồi con cháu nai lưng ra trả nợ.

Đề án này hơi xa xỉ, tôi sẽ không bấm nút thông qua. Để 10-20 năm nữa, lúc đó con cháu ta thông minh hơn, giỏi hơn ta sẽ quyết định. Còn giờ quyết thì tôi thấy có lỗi với thế hệ mai sau. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Không cha mẹ nào lại ăn vào phần con cháu.

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 2
Đại biểu CHU SƠN HÀ (Hà Nội):

Đề nghị trưng cầu  ý dân

Trước khi nói về nhu cầu vận tải bằng đường sắt cao tốc, cần xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng của các loại hình vận tải, đánh giá hiệu quả hệ thống đường sắt hiện hành… Tránh trường hợp như đối với đường Hồ Chí Minh, khi trình dự án nói rất bức thiết nhưng tôi đi thực tế thấy rất ít phương tiện lưu hành.

Vấn đề thứ hai cần tính toán kỹ là khả năng tài chính. Cần có thẩm tra sâu hơn, kỹ hơn của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH về phương án huy động, thu hồi vốn, bảo hành, bảo trì. Cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẩm tra tác động của xã hội của dự án, nhất là việc định thu hồi 1.500 ha đất nông nghiệp.

Tôi đề nghị tổ chức trưng cầu ý kiến của nhân dân và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự án này.

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 3
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng NGUYỄN MINH THUYẾT:

Nghe rồi mới biết rất gay về tiền

Để đầu tư đường sắt cao tốc, lấy đâu ra 56 tỉ USD và đây không phải con số cuối cùng, trong khi đang có rất nhiều dự án quốc gia cần nhiều tiền, như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Rằng hay thì thật là hay. Nghe rồi mới biết rất gay về tiền”. Việc làm dự án đường sắt cao tốc giống như việc vợ chồng công chức nghèo, có con nhỏ, tiền ăn còn khó khăn nhưng thấy hàng xóm có ôtô cũng đi vay tiền mua ôtô. Chúng ta hy vọng có đường sắt cao tốc, ăn sáng ở TP.HCM, ăn trưa ở Đà Nẵng và ăn tối ở Hà Nội. Người TP.HCM có thể đi làm ở Hà Nội và về trong ngày. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ tiền để đi kiểu đó, bởi giá vé tàu cao tốc bằng 50%-70% giá vé máy bay. Mà nếu không có khách đi thì làm sao thu hồi vốn?

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 4
Bí thư Thành ủy Đà NẵngNGUYỄN BÁ THANH:

Đừng lãng mạn ý tưởng vận tốc 300 km/giờ

Tôi lại không lo về vốn đầu tư vì thế giới đang thừa tiền, vay thì sẽ trả. Thu hồi vốn chậm cũng phải chấp nhận, song bù lại sẽ kích thích kinh tế phát triển. Cái tôi lo nhất là phương án làm. Chúng ta định làm toàn tuyến hơn 1.570 km nhưng chỉ 364 km đi trên mặt đất, còn lại đi hầm và cầu cạn, trong khi địa chất chúng ta phức tạp, chỉ cần có sự cố thì khắc phục rất khó, rất lâu.

Cả thế giới không ai làm đường sắt cao tốc toàn tuyến đến 1.570 km vì chỉ cần một sơ suất sẽ phải trả giá đắt. Tôi chỉ mong đường sắt cao tốc đạt vận tốc 200 km/giờ là phúc rồi, đừng lãng mạn ý tưởng vận tốc 300 km/giờ hay làm tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới!

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 5
Đại biểuTRẦN DU LỊCH (TP.HCM):

Nhược điểm lớn là lệ thuộc công nghệ

Với thời gian thực hiện là 25 năm, rõ ràng đây là một dự án đầu tư lớn cho mai sau. Và vì đầu tư cho thế hệ sau nên quyết định như thế nào là hết sức khó khăn.

Với bản thân tôi, việc xây dựng một tuyến đường sắt Bắc-Nam là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề dự án cần phải quan tâm là 25 năm nữa, mọi thứ sẽ có rất nhiều biến đổi, việc đưa ra những dự báo có tính chính xác cao là hết sức quan trong. Như vấn đề lựa chọn công nghệ, chúng ta phải nhìn tới 20 năm nữa nó như thế nào, chứ không thể chọn cái mà khi làm xong đã lạc hậu rồi. Ngoài ra, triển khai thực hiện dự án này, chúng ta có một nhược điểm lớn là bị lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ ở nước ngoài. Do đó, dễ bị ép giá mua quá cao, gây thiệt hại cho đất nước, chứ không như Nhật Bản hay Trung Quốc làm đường sắt cao tốc nhưng người ta chủ động được công nghệ.

Quốc hội thảo luận ở tổ về đường sắt cao tốc: Bấm nút bây giờ, lỗi nặng với đời sau ảnh 6
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế HÀ VĂN HIỀN:

Cần làm báo cáo khả thi

Cần thiết xây dựng đường sắt cao tốc nhưng tôi có hai vấn đề băn khoăn. Thứ nhất, tôi không rõ trên cơ sở nào mà xét quy hoạch tổng thể về nhu cầu khách, dự án Chính phủ trình đưa ra con số đến năm 2030, nếu không có đường sắt cao tốc thì tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc-Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm?

Thứ hai là vấn đề vốn, con số 56 tỉ USD được tính vào thời gian 2008, nay chắc chắn sẽ cao hơn. Hơn nữa, quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt đến năm 2020 cần hơn 80 tỉ USD, ta có thu xếp được vốn không?

Tôi cho rằng Chính phủ phải làm báo cáo khả thi để Quốc hội quyết thì sẽ có cơ sở hơn.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam có tổng mức đầu tư 55,853 tỉ USD, thời gian khởi công dự kiến là năm 2012. Chiều dài toàn tuyến hơn 1.500 km với 27 ga, vận tốc chạy tàu 300 km/giờ. Để thực hiện dự án sẽ phải thu hồi 4.170 ha đất, trong đó có khoảng 1.500 ha đất nông nghiệp. Gần 10.000 hộ gia đình phải di dời tái định cư (chi phí bồi thường tái định cư gần 1,8 tỉ USD).

Thẩm tra dự án này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 8-6, biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư vào ngày cuối cùng của kỳ họp (19-6).

----------------------------------------------------------------

Không thể tiêu hoang. Như nhiều nhà kinh tế đã nhẩm tính, chi phí cho dự án có thể đội lên tới 100 tỉ USD. Nếu thông qua chủ trương đầu tư, Quốc hội sẽ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ gánh nặng nợ nần đó, mà mỗi đại biểu chỉ làm vài ba nhiệm kỳ, đến lúc con đường sắp xong và đi trả nợ thì lại thành chuyện của những người sau? Ai cũng muốn bay lên mặt trăng, du hành vũ trụ. Nhưng số tiền lớn như vậy trong điều kiện ngân sách thiếu, nhu cầu nhiều thì khó khả thi. (Chuyên gia kinh tếPHẠM CHI LAN)

Chưa đến lúc. Chúng ta làm đường bộ cao tốc đi đã, đến khi tiềm lực kinh tế mạnh hơn ta làm đường sắt cao tốc. Mấy chục năm làm đường sắt, tôi thấy rằng không thể đẩy lùi đường bộ để làm đường sắt bây giờ được. Các nước Pháp, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc có một hệ thống đường bộ phát triển rồi mới làm đường sắt cao tốc. Bởi khi tiềm lực kinh tế mạnh rồi, họ chọn đường sắt vì nó có những ưu điểm nổi bật như môi trường, an toàn. Mình cũng phải dựa trên cơ sở tiềm lực kinh tế của mình. (Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVTĐÀO ĐÌNH BÌNH)

Một… “giấc mơ tốt”. Tôi nghĩ chúng ta không nên vội vàng vì nhu cầu đầu tư quá lớn, vượt sức nền kinh tế của ta. Tôi cho đây là một giấc mơ tốt! Trung Quốc cũng làm cả đường bộ lẫn đường sắt cao tốc nhưng dự trữ ngoại tệ họ có 2.500 tỉ USD trong khi nước ta là 20 tỉ USD. Họ cũng phải làm đường bộ cao tốc trước, đường sắt cao tốc sau. Chúng ta đừng tự ái với Trung Quốc, đừng tiêu tiền kiểu Nhật với mong muốn vượt Trung Quốc! (Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt NamNGUYỄN QUANG THÁI)

Quả là một điều xa xỉ. Nếu nhìn về tương lai thì chúng ta mơ ước dự án này trở thành hiện thực. Nhưng khi nhìn vào số tiền quá lớn trong lúc chúng ta không có thực lực ngân sách thì đó quả là một điều xa xỉ. Trên thế giới, chỉ mới có 11 nước đầu tư vào loại hình này, chắc là cũng có nhiều nước giàu hơn họ mơ ước như ta chứ. (Đại biểu Quốc hộiDƯƠNG TRUNG QUỐC)

THÀNH VĂN - VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm