Biển Đông: Công cụ pháp lý quan trọng của Mỹ đối phó Trung Quốc dần định hình

Ngày 19-10, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 (còn gọi là S.1657), nhắm đến việc trừng phạt các cá nhân, thực thể Trung Quốc liên quan những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Liên quan động thái trên, giới quan sát càng khẳng định rằng Mỹ đang thúc đẩy chiến lược đối phó Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ThS Hoàng Việt - chuyên gia luật biển quốc tế (ĐH Luật TP.HCM) - nhận định: "Nếu đạo luật được ban hành, Mỹ sẽ có một công cụ pháp lý để trừng phạt các cá nhân hay thực thể Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng mới tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông".

Biển Đông: Công cụ pháp lý quan trọng của Mỹ đối phó Trung Quốc dần định hình ảnh 1
Chuyên gia Hoàng Việt.

Công cụ pháp lý quan trọng

. Phóng viên: Vì sao Mỹ thông qua Dự luật Trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 vào giai đoạn hiện nay, thưa ông?

+ Chuyên gia Hoàng Việt: Để hiểu rõ về bối cảnh dự luật được thông qua, chúng ta cần điểm lại một số phát ngôn của chính các tác giả của dự luật.

Dự luật S.1657 do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - ông Marco Rubia và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - ông Ben Cardin bảo trợ. Việc thượng nghị sĩ từ cả hai đảng cùng đồng ý và đề xuất dự luật trên cho thấy sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ.

Trong thông cáo báo chí hôm 19-10, Thượng nghị sĩ Marco Rubio nhấn mạnh: “Không có mối đe dọa nào đối với một 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở' lớn hơn Trung Quốc và lực lượng vũ trang nước này”.

“Rủi ro đối với các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là hiện hữu. Mỹ cần các công cụ bổ sung để đối đầu Bắc Kinh, khi nước này tiếp tục hành động nhằm khẳng định quyền kiểm soát bất hợp pháp đối với lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông” – ông Rubio nói thêm.

Như vậy, việc thông qua dự luật chính là phản ứng của phía Mỹ đối với các tham vọng của Trung Quốc, tham vọng muốn thay đổi trật tự luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ben Cardin nhấn mạnh: “Dự luật gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ dòng chảy tự do thương mại và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Phát ngôn của ông Cardin cho thấy mục đích quan trọng nhất của Mỹ khi đưa ra dự luật này và việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật cũng thể hiện tinh thần đó.

. Các vấn đề pháp lý quan trọng của dự luật, đối tượng nhắm đến và hình thức trừng phạt là gì?

+ Dự luật S.1657 có thể được hiểu là công cụ pháp lý đầu tiên của chính phủ Mỹ trong việc trừng phạt liên quan tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Về mặt pháp lý, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào những hoạt động xây dựng đảo nhân tạo hoặc đe dọa sự ổn định của Biển Đông và biển Hoa Đông.

Như vậy, dự luật sẽ đề xuất tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản hoặc từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc có đóng góp vào các dự án ở hai khu vực trên.

Dự luật cũng nhắm đến cá nhân hay thực thể Trung Quốc tham gia các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, ổn định ở các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bắc Kinh khó lòng tuân thủ 

. Tác động của dự luật đến Trung Quốc ra sao và liệu dự luật có tạo ra hiệu ứng răn đe đủ mạnh khiến Trung Quốc phải thượng tôn pháp luật tại Biển Đông?

+ Trước mắt, dự luật sẽ tạo ra nhiều thay đổi, trong bối cảnh giới chuyên gia lâu nay cho rằng Washington cần đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Mỹ không muốn đẩy hai bên vào tình trạng đối đầu quân sự, do đó các biện pháp trừng phạt của Washington thường chủ yếu tập trung vào khía cạnh kinh tế.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Nếu đạo luật được ban hành, Mỹ sẽ có một công cụ pháp lý để trừng phạt các cá nhân hay thực thể Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng mới tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trước mắt, vẫn chưa rõ liệu đạo luật, một khi được ban hành, sẽ tác động đến Trung Quốc như thế nào.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể sẽ khó lòng tuân thủ, trong bối cảnh nước này tham vọng thay đổi trật tự luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình, cũng như diễn giải lại các luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

. Bên cạnh dự luật trên, chiến lược đối phó Trung Quốc ở khu vực Biển Đông dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden còn có thêm những trụ cột hay vũ khí nào?

+ Một trong những chiến lược nổi bật của ông Biden so với chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump chính là việc phối hợp cùng các đồng minh, đối tác tạo thành mạng lưới gây sức ép đối với Bắc Kinh.

Chính quyền ông Biden thời gian qua đã thúc đẩy quan hệ với nhóm “Bộ Tứ" (QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc) cũng như mới đây đã thiết lập liên minh an ninh ba bên AUKUS với Anh và Úc. Các động thái trên nhằm đối trọng Trung Quốc, cũng như kiềm chế các hành động gây căng thẳng và bất chấp luật pháp quốc tế của nước này.

Có thể thấy, bên cạnh việc tiếp nối lập trường cứng rắn và cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, ông Biden đã thúc đẩy các mạng lưới liên minh, hợp tác khác nhau. Thời gian tới, dự báo sẽ có thêm nhiều liên minh mới của Washington xuất hiện.

Việt Nam lên tiếng về dự luật Mỹ trừng phạt Trung Quốc liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông

Ngày 21-10, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về Dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 (S.1657) vừa được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của những quốc gia ven biển".


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm