Trong mùa hè năm nay, biển Đông chứng kiến các bước leo thang chưa từng có của Trung Quốc (TQ), đánh dấu một bước chuyển hướng chiến lược từ “âm mưu độc chiếm” thành ngang nhiên quân sự hóa phi pháp và sẵn sàng sử dụng vũ lực, theo Trung tá hải quân Mỹ Dave Eastburn nói với tạp chí The Diplomat.
Thậm chí vào dịp “kỷ niệm” ba năm sau ngày Tòa Trọng tài biển Đông ra phán quyết lịch sử bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của TQ trong phạm vi đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã tiến hành tập trận quy mô lớn ở phía bắc quần đảo Trường Sa và bắn thử tên lửa từ những thực thể nhân tạo bị bồi đắp trái phép.
TQ leo thang căng thẳng
Mặc dù các kênh chính thống từ phía TQ luôn chối bỏ việc thử tên lửa ở Trường Sa nhưng nhiều nguồn tin độc lập từ các tổ chức quốc tế tiết lộ Bắc Kinh đã bắn sáu tên lửa đạn đạo chống hạm ra biển Đông trong cuộc tập trận vừa rồi. Các suy đoán xoay quanh ba loại tên lửa đạn đạo chống hạm hiện có trong biên chế TQ là DF-16, DF-21D và DF-26C, trang Naval News cho hay. Giới quan sát nhận định rằng động thái trên của TQ là sự leo thang căng thẳng và mang tính đe dọa chưa từng có.
Trước đó, hôm 21-6, đài CNN còn công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy TQ đã triển khai ít nhất bốn máy bay chiến đấu J-10 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị TQ chiếm trái phép. Theo ông Carl Shuster, cựu giám đốc tình báo liên quân của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, hình ảnh vệ tinh cho thấy các máy bay J-10 trong tư thế đậu chính thức (chứ không ngụy trang). Điều này chứng minh tâm thế sẵn sàng thách thức các quốc gia khác của Bắc Kinh.
Cũng theo đài CNN, một nhóm quân tác chiến của hải quân do tàu sân bay duy nhất của TQ dẫn đầu cũng đang tuần tra ở biển Đông với mục đích được tuyên bố là nhắm vào Đài Loan.
Hôm 5-5, giới chức tỉnh Chiết Giang (TQ) đã thông báo cấm tàu thuyền hoạt động và đánh bắt cá ở khu vực đến tối 10-5, tuyên bố đây là một phần trong “kế hoạch tập trận thường xuyên hằng năm” của quân đội TQ và sẽ có “sử dụng vũ khí thật”.
Cuộc tập trận quy mô này cũng không phải lần đầu ở biển Đông trong năm nay. Trước đó, vào tháng 2-2019, báo South China Morning Post cũng đưa tin nhiều loại chiến hạm mới nhất của TQ thuộc hạm đội Nam Hải - gồm các tàu trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì và Vận Thành, tàu tấn công đổ bộ Trường Bạch Sơn - đã tham gia cuộc tập trận kéo dài hơn một tháng bắt đầu từ ngày 16-1.
Các chuyên gia quân sự cho rằng các cuộc tập trận của TQ cho thấy họ muốn thử nghiệm hệ thống điều khiển sẽ được vận hành như thế nào khi xảy ra chiến tranh, đồng thời “củng cố khả năng phòng thủ” bằng tên lửa trên biển Đông. Đáng lưu ý là các binh lính đóng quân tại các vị trí do TQ đang kiểm soát trái phép trên biển Đông cũng đã tham gia hoạt động này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: NIKKEI
Philippines buộc phải hành động cứng rắn
Trong bối cảnh biển Đông nóng lên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 17-7 đã chính thức kêu gọi chính phủ Mỹ nên thực thi hiệp ước phòng thủ lẫn nhau với Philippines, theo kênh ABS-CBN News.
“Tôi đang kêu gọi Mỹ. Tôi đang kích hoạt hiệp ước phòng thủ lẫn nhau. Tôi muốn Mỹ tập hợp tất cả Hạm đội 7 của họ đối phó TQ. Tôi đang yêu cầu họ ngay bây giờ. Tôi sẽ tham gia cùng họ. Tôi sẽ ngồi trên tàu của đô đốc Mỹ” - ông Duterte cho hay.
Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định TQ đang cho thấy nước này ngày càng sẵn sàng ngăn cản hoạt động về dầu khí của các nước láng giềng trên biển Đông. |
Philippines và Mỹ đã ký một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951, ràng buộc cả hai nước hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị nước khác tấn công. Cụ thể, điều 4 của hiệp ước phòng thủ lẫn nhau tuyên bố rằng “khi mỗi bên nhận ra rằng một cuộc tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương vào một trong hai bên thì xem như nguy cơ đó sẽ nguy hiểm cho hòa bình và an toàn cho chính mình và tuyên bố rằng họ sẽ hành động để đối phó theo quy định của hiến pháp mỗi nước”.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim đã nói rằng một cuộc tấn công vũ trang nước ngoài vào lực lượng an ninh Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ theo hiệp ước. Thêm vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm nay cũng đưa ra lời đảm bảo rằng Mỹ sẽ đáp trả đối với bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công cộng của Philippines ở biển Đông”.
Tuyên bố được ông Duterte đưa ra sau khi Mỹ và Philippines kết thúc sự kiện đàm phán chiến lược song phương tại Manila. Trong cuộc đối thoại này, Đại sứ Philippines tại Mỹ Babe Romualdez cho biết hai nước đang đàm phán nhằm “củng cố” hiệp ước lâu năm này.
Hôm 5-6, trong một bài phát biểu ở Alangalang, Leyte, ông Duterte đã thách thức Mỹ mang tất cả vũ khí đến biển Đông và ngăn chặn việc quân sự hóa của Bắc Kinh. “Hãy để Mỹ tuyên chiến. Hãy để họ tập hợp tất cả vũ khí của họ ở biển Đông” - ông Duterte nói.
Malaysia tăng khả năng tên lửa ở biển Đông trong bối cảnh căng thẳng Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) hôm 15-7 đã thực hiện một chương trình hiếm hoi kiểm tra khả năng tên lửa, như một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn được gọi là “Kerismas” và “Taming Sari”, trong bối cảnh căng thẳng mới ở biển Đông. Các tên lửa đã được bắn ra từ tàu hộ tống lớp Kasturi (loại FS 1500) dẫn đầu của dịch vụ, KD Kasturi (25) và một máy bay trực thăng hải quân Super Lynx. Kasturi đã bắn tên lửa Exocet MM40 Block II, trong khi trực thăng hải quân phóng một cặp tên lửa chống hạm Sea Skua. “Thành công của vụ bắn tên lửa là bằng chứng cho thấy RMN có đủ năng lực kiểm soát tình hình ở biển Đông” - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Bin Sabu cho hay. “Việc thực hiện các cuộc tập trận này sẽ đảm bảo cho người dân Malaysia thấy rằng lực lượng vũ trang RMN và Malaysia sẵn sàng bảo vệ hòa bình và bảo vệ lợi ích của họ ở biển Đông” - ông Sabu nhấn mạnh. |